Xuất nhập khẩu ngày 14-16/11: 'Giải cứu' thành công 3 triệu USD hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal, thương mại Việt Nam-Trung Quốc cán mốc 100 tỷ USD

'Giải cứu' thành công 61/62 container hàng hồ tiêu Việt bị mắc kẹt tại Nepal, thương mại Việt Nam-Trung Quốc cán mốc 100 tỷ USD, cá tra chiếm ưu thế tại Trung Quốc... là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 7-9/11.

Bản tin xuất nhập khẩu: "Giải cứu" thành công 3 triệu USD mắc kẹt tại Nepal. (Nguồn: Công thương)

Bản tin xuất nhập khẩu: "Giải cứu" thành công 3 triệu USD mắc kẹt tại Nepal. (Nguồn: Công thương)

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc cán mốc 100 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 5,5 tỷ USD. Qua đó, nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến hết tháng 10 đạt hơn 37,9 tỷ USD.

Hết tháng 10, có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đạt kim ngạch hơn 8 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch hơn 65,6 tỷ USD.

Với tổng kim ngạch hơn 103,5 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD trong năm nay.

Những năm gần đây, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc liên tiếp đứng ở vị trí lớn nhất. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, trong 2 năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đều đạt trên ngưỡng 100 tỷ USD mỗi năm.

"Giải cứu" thành công 61/62 container hàng hồ tiêu Việt bị mắc kẹt tại Nepal

Theo thông tin mới nhất từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), sau nhiều nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal (nơi các container hàng bị mắc kẹt) và Ấn Độ (nơi các container hàng phải quá cảnh để về Việt Nam), các container hàng hồ tiêu của doanh nghiệp Việt Nam đã về đến Việt Nam theo mong muốn của các doanh nghiệp.

Cho đến nay, 61/62 container hàng hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam đã về đến Việt Nam, 1 container hàng đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để chuyển về Việt Nam.

Việc các container hàng được “giải cứu” thành công đã chấm dứt các chi phí lưu kho bãi phát sinh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh giá tiêu xuất khẩu đang tăng cao, sau khi kéo được các containrer hàng về nước, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu các container hàng tiêu này đi nhiều thị trường khác để bù đắp các chi phí bị ảnh hưởng do sự việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa rồi.

Trước đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã gặp khó khăn khi hồ tiêu xuất khẩu sang Nepal không được thông quan do đối tác Nepal chưa xin giấy phép nhập khẩu theo quy định và từ chối nhận hàng. Tổng số các container hồ tiêu có trị giá khoảng 3 triệu USD mắc kẹt tại Nepal.

Để đưa các container hồ tiêu quay lại Việt Nam, Hải quan Nepal yêu cầu phải có ý kiến của Bộ Công Thương và Vật tư Nepal cũng như yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành bộ chứng từ tái xuất theo quy định.

Để hỗ trợ giải quyết khó khăn trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp ký 2 công thư (ngày 19/6 và ngày 27/7) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đề nghị phía Nepal cho phép giải phóng các container hồ tiêu đang mắc kẹt tại cảng, đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục giải phóng hàng, không làm gia tăng thêm các chi phí cho doanh nghiệp. Trước các nỗ lực của phía Việt Nam, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã tích cực xem xét và giải quyết vụ việc.

Cá tra Việt Nam chiếm ưu thế tại Trung Quốc

Tính đến nửa đầu tháng 10/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đạt 385,9 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đà giảm của cá tra cũng là sự suy giảm xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2020 đạt gần 7 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Cho dù, giá trị xuất khẩu giảm nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và năm nay số lượng doanh nghiệp cá tra tham gia vào thị trường này cũng đông đảo nhất.

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, ba doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này là CTCP Thủy sản Trường Giang (TG FISHERY); CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI CORP) và CTCP Gò Đàng (GODACO).

Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam như cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh…

Do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng cá rô phi và sản phẩm cá thịt trắng khác của Trung Quốc bị dồn lại thị trường nội địa do xuất khẩu bị gián đoạn và ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất, nuôi trồng cá nước ngọt của Trung Quốc trong ba quý đầu năm nay cũng không ngoại lệ. Điều này cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới việc nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc giảm hơn nhiều so với các năm khác.

Theo đánh giá, năm 2020, sản lượng cá tra nuôi của Trung Quốc cũng có thể bị giảm gần 1/2 sản lượng từ 32.000 tấn xuống còn khoảng 18.000 tấn do sản lượng cá thịt trắng trong nước lớn, nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.

Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh tăng trưởng mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong tháng đầu tiên của quý IV/2020 đạt 477,25 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng trước đó. Cũng trong tháng này, một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh mẽ gấp 2 đến 4 lần.

10 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 4,14 tỷ USD từ thị trường Anh, giảm 14,19% so với cùng kỳ. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với 29,82% đạt 1,23 tỷ USD, giảm 27,28% so với cùng kỳ.

Có 6 mặt hàng đạt trị giá trăm triệu USD, trong đó 3 mặt hàng tăng trưởng và 3 mặt hàng sụt giảm về kim ngạch trong 10 tháng/2020.

3 mặt hàng có kim ngạch tăng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (+81,41%) đạt 408,59 triệu USD; Hàng thủy sản (+25,12%) đạt 297,91 triệu USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (+14,55%) đạt 265,68 triệu USD.

3 mặt hàng có kim ngạch giảm: Hàng dệt, may (-29,12%) đạt 459,34 triệu USD; Giày dép các loại (-24,64%) đạt 401,94 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ (-27,77%) đạt 188,34 triệu USD.

Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Anh trong tháng đầu tiên của quý 4 như: Sản phẩm từ sắt thép (328,63%) đạt 10,09 triệu USD; Kim loại thường khác và sản phẩm (176,61%) đạt 3,96 triệu USD; Hàng rau quả (105,19%) đạt 1,5 triệu USD; Cao su (234,34%) đạt 234,78 nghìn USD.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-nhap-khau-ngay-14-1611-giai-cuu-thanh-cong-3-trieu-usd-ho-tieu-mac-ket-tai-nepal-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-can-moc-100-ty-usd-129255.html