Xuất nhập khẩu hàng hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021

Quý I/2021, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế đã và đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết.

Với thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, muốn tồn tại và phát triển mỗi nước không thể thu mình mà cần phải mở cửa giao lưu buôn bán với nhiều quốc gia trên thế giới. Trước sự biến đổi đó, ngành xuất nhập khẩu đã và đang nắm giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, quý I/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, tuy nhiên để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay vẫn là một thách thức. Đồng thời nhận định, để tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại cần tiếp tục dựa vào khu vực xuất nhập khẩu.

Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế đã và đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 152 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục xuất siêu trên 2 tỷ USD…

Ngành xuất nhập khẩu đã và đang nắm giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Ngành xuất nhập khẩu đã và đang nắm giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế trong 3 quý tới cần dựa vào khu vực xuất khẩu, PGS.TS. Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) nêu quan điểm: "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu sống phụ thuộc vào xuất khẩu, năm nay các chính sách tài khóa tiền tệ của Việt Nam sẽ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với năm ngoái. Cũng trong năm vừa qua, Việt Nam ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2021, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đa phần cũng hướng đến xuất khẩu, đây là thế mạnh của nước ta. Vì vậy tôi cho rằng, xuất khẩu sẽ đóng góp chính và tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay”.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh chia sẻ, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Trước tiên, tập trung rà soát pháp luật trong quá trình thực thi các FTA để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung đã cam kết, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống luật pháp;

Nghiên cứu kỹ lưỡng từng mặt hàng tại thị trường cụ thể, từ đó định hướng doanh nghiệp về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này, thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các nước và định hướng hoạt động xúc tiến thương mại;

Xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, phù hợp cam kết quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Sử dụng hiệu quả các công cụ phù hợp cam kết quốc tế, nhất là phòng vệ thương mại và phòng, chống gian lận xuất xứ. Triển khai các chương trình, đề án lớn về phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất trong nước, duy trì việc làm cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Trong dài hạn, để bảo đảm được tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu, yếu tố then chốt nhất vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đi liền với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ.

Mai Phương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xuat-nhap-khau-hang-hoa-thuc-day-tang-truong-kinh-te-nam-2021-d185466.html