Xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới làm thuê: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thời gian gần đây, tình trạng công dân Việt Nam vượt biên trái phép qua biên giới ở các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm đang có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình trạng này có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động. Trước tình hình đó, BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc đang triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng đấu tranh, ngăn chặn.

Các đối tượng bị BĐBP Quảng Ninh bắt giữ khi đang xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ảnh: Viết Lam

Các đối tượng bị BĐBP Quảng Ninh bắt giữ khi đang xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ảnh: Viết Lam

Trong thời gian qua, tình trạng lao động ở các địa phương của nước ta xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội việc làm có chiều hướng gia tăng. Hoạt động này là vi phạm pháp luật của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, bởi hai bên chưa ký kết chương trình hợp tác trao đổi lao động. Hoạt động xuất cảnh trái phép qua biên giới đang làm cho tình hình an ninh trật tự ở khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc nước ta thêm phức tạp.

Hiện nay, chỉ có một số địa phương biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang... được Chính phủ cho phép thí điểm ký kết hợp tác lao động với các địa phương đối diện của Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, các địa phương ở hai phía biên giới đối diện được cung ứng lao động phục vụ nhu cầu sản xuất của mỗi bên. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài số lao động ở các tỉnh nói trên của Việt Nam sang Trung Quốc làm việc hợp pháp thì số lao động ở các địa phương phía sau như Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc đang chiếm số lượng lớn.

Đặc biệt, trong thời gian sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình trạng trên đang có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động vượt biên trái phép qua biên giới là do nhu cầu công ăn, việc làm của người lao động trong nước ngày một tăng cao. Ngoài ra, một số người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại bị những phần tử xấu rủ rê, tuyên truyền lừa bịp về thu nhập cao ở bên kia biên giới. Phần lớn lao động đi theo từng nhóm và có tổ chức, tìm mọi thủ đoạn qua mặt các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, họ không lường được những rủi ro mà mình sẽ gặp phải ở xứ người, đó là bị chủ bóc lột sức lao động, đánh đập, bị lực lượng chức năng sở tại bắt giữ khi bị phát hiện nhập cảnh, lưu trú trái phép.

Với đặc điểm đường biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc kéo dài, có nhiều đường mòn, lối mở thì các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh thực sự đang gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lao động ở các địa phương khác xuất cảnh trái phép qua biên giới. Đại tá Lê Quang Đạo, Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn cho biết: “Phần lớn đối tượng tham gia hoạt động trên đến từ các tỉnh khác đang là một thách thức lớn của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, đấu tranh. Bởi biện pháp tuyên truyền, cảnh báo từ xa không có hiệu quả với họ. Thêm nữa, thường những đối tượng này đều đi có tổ chức và tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng để qua được bên kia biên giới. Trong trường hợp lao động nước ta gặp những rủi ro trên đất bạn thì các biện pháp bảo hộ cũng gặp phải những thách thức vì Chính phủ Trung Quốc chưa ký kết hợp tác lao động với các tỉnh này”.

Đại tá Lê Quang Đạo còn cho biết, chỉ tính thời gian sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, BĐBP Lạng Sơn đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý gần 1.000 người ở các địa phương trong nước có hành vi xuất cảnh trái phép qua biên giới.

Cùng với Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương được xác định là địa bàn trọng điểm của hoạt động xuất cảnh trái phép qua biên giới. Trước thực trạng trên, BĐBP Quảng Ninh đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền và đấu tranh bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, BĐBP Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý hàng trăm lượt người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Cụ thể, ngày 13-2, tại khu vực mốc 1366(2) + 300m thuộc khu 7, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã phát hiện, bắt giữ 6 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Tại thời điểm phát hiện, các đối tượng đang đi bộ vào bờ sông biên giới, gồm: Đỗ Kim Dư, sinh năm 1978, trú tại Quỳnh Lâm, Quỳnh Phụ, Thái Bình; Lô Văn Duy, sinh năm 1983; Lô Văn Khoa, sinh năm 1984; Võ Thị Sâm, sinh năm 1983, đều trú tại Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An; Tăng Thị Pham, sinh năm 1994; Lý Thị Hồng, sinh năm 1994, đều trú tại Pắc Ta, Tân Uyên, Lai Châu. Qua kiểm tra, cả 6 người trên không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ gì. Các đối tượng khai nhận đang tìm đường vượt biên sang Trung Quốc làm thuê cho một nhà máy chế biến gỗ. Tiếp đó, ngày 14-2, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng (1 nam, 1 nữ) là Lương Phong, sinh năm 1963, trú tại đường Giải Phóng, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc và Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1972, trú tại xã Thái Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích để về thăm gia đình...

Đại tá Nguyễn Văn Thiêm, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh cho biết: “Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lí với hoạt động xuất nhập cảnh của lực lượng chức năng qua biên giới gặp phải không ít khó khăn. Bởi phần lớn đối tượng là những lao động nghèo, khi bị bắt giữ thì không thể xử phạt theo quy định của pháp luật được.

Biện pháp chủ yếu vẫn là ngăn chặn, răn đe, yêu cầu họ trở về địa phương. Chính vì vậy, để giảm áp lực cho lực lượng BĐBP trong công tác đấu tranh, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền ở các địa phương trên toàn quốc. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hoạt động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động là vi phạm pháp luật, đồng thời, sẽ gặp rất nhiều rủi ro trong quá trình sống và lao động trên đất bạn”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuat-nhap-canh-trai-phep-qua-bien-gioi-lam-thue-tiem-an-nhieu-rui-ro/