'Xuất lộ' 2 cổng gạch vồ trong Kinh thành Huế

Hai cổng thành bằng gạch vồ được xây dựng trong Kinh Thành Huế vừa được một số hộ dân phát hiện trong quá trình di dời, giải tỏa trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành Huế (P. Thuận Lộc, TP Huế). Phát hiện quan trọng này khiến dư luận, đặc biệt là các nhà văn hóa, giới nghiên cứu, bảo tồn đang rất quan tâm.

Hai cổng thành bằng gạch vồ được xây dựng trong Kinh Thành Huế vừa được một số hộ dân phát hiện trong quá trình di dời, giải tỏa trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành Huế (P. Thuận Lộc, TP Huế). Phát hiện quan trọng này khiến dư luận, đặc biệt là các nhà văn hóa, giới nghiên cứu, bảo tồn đang rất quan tâm.

Chiếc cổng được xây dựng với kiến trúc độc đáo.

Chiếc cổng được xây dựng với kiến trúc độc đáo.

Đó là 2 cổng thành nằm hai bên đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà. Theo mô tả, cổng thành thứ nhất nằm bên phải cống Lương Y, được xây theo hình thức cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 80cm, cao 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Cổng thứ hai nằm bên trái cầu Lương Y, phía sau nhà bà Lê Thị Đào (70 tuổi, trú nhà số 126 đường Xuân 68), hiện hộ dân này chưa di dời. Cổng này đã bị người dân bịt kín bởi lớp bờ lô từ hàng chục năm trước. Bà Lê Thị Đào cho biết, gia đình bà sống tại đây đã nhiều thế hệ với khoảng 100 năm. 40 năm trước, khi về làm dâu tại đây, bà đã thấy cổng thành này. "Cách đây 5 năm, do lo sợ tình trạng trộm cắp nên gia đình tôi dùng xi-măng bịt cổng thành này lại", bà Đào kể.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh TT-Huế), Đông thành Thủy Quan là khu vực phòng thủ trọng yếu của hệ thống Kinh thành Huế xưa. "Có thể vì một số lý do bí mật về phòng thủ nên những cổng thành này ít ai nhắc đến. Những cổng thành này khá nhỏ, nên không phải để cho dân hay vua quan đi mà khả năng là dành cho đội vệ binh đi lại kiểm tra khu vực phòng thủ đông thành Thủy Quan. Trước đây những cổng thành này có cửa nên được xem như là cổng bí mật", ông Nguyễn Xuân Hoa phân tích.

Trong sáng 29-6, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã đến khảo sát thực địa chiếc cổng gạch đang nằm khuất sau nhà bà Lê Thị Đào. Theo quan sát, ông Hoa nhận định, vị trí của chiếc cổng được xây dựng sau khi hệ thống Kinh thành Huế được xây dưới thời Gia Long. Nhận định trên được đưa ra sau khi nhà nghiên cứu này quan sát, so sánh màu sắc giữa các khối gạch của bức tường đặt chiếc cổng và gạch ở bức tường thành bên cạnh. Do thời gian và nhiều nguyên nhân khác, bức tường gạch đặt chiếc cổng đã gần như bị nứt rời ra khỏi hệ thống thành trì. Ông Hoa cho biết, dù chiếc cổng gạch này được xây dựng với chức năng gì thì đây hoàn toàn là một điều vô cùng thú vị. "Hàng chục năm nay do người dân sinh sống ở khu vực Kinh thành Huế nên việc tiếp cận nhiều vị trí ở đây để nghiên cứu rất khó khăn. Sau khi thực hiện di dời dân cư, nhiều điều thú vị mới dần lộ ra mang lại cho giới nghiên cứu, bảo tồn cũng như du lịch nhiều thông tin về hệ thống Kinh thành Huế", ông Hoa nói.

Sau nhiều năm bị che khuất bởi nhà dân, chiếc cổng thành- khu vực phòng thủ trọng yếu của Kinh thành Huế xưa đã lộ ra.

Liên quan đến thông tin phát hiện 2 cổng thành nêu trên tại khu vực Thượng Thành, Trung tâm Bảo tồn di tích (TTBTDT) cố đô Huế cho rằng, cách đây nhiều năm, Trung tâm đã từng khảo sát hệ thống pháo đài trên kinh thành và lô cốt trên Thượng Thành, qua đó đã lưu giữ hình ảnh về những cổng thành nêu trên. Ngoài ra, trước khi thực hiện đề án "Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế", Trung tâm đã tiếp tục khảo sát lần nữa, đồng thời xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho khu vực Thượng Thành và sông Ngự Hà. TTBTDT cố đô Huế cũng cho hay, trong tài liệu về Kinh thành Huế của Lesopld Cardìere, có địa danh và bản đồ cập nhật vị trí cửa trái và cửa phải của đông thành Thủy Quan, tức số 121 trên bản đồ Kinh thành Huế. Trong Đại Nam nhất thống chí, ở đây có đặt xưởng đại bác, và vị trí này có vệ binh 20 người lính bảo vệ để canh giữ đông thành Thủy Quan, là một vị trí rất quan trọng trên hệ thống Ngự Hà và Kinh thành Huế...

TTBTDT cố đô Huế khẳng định, mấy chục năm qua, người dân xây dựng nhà ở khu vực Thượng Thành nên ít ai để ý đến những chiếc cổng thành nêu trên, còn phía Trung tâm thì nắm được thông tin từ rất lâu. Vì vậy, khi san ủi mặt bằng Trung tâm đã chủ động cắm biển "Cẩn thận khi thu dọn mặt bằng ở khu vực này" tại những khu vực các cổng thành này. "Đối với 2 cổng bên phải và bên trái của đông thành Thủy Quan, Trung tâm đã phát hiện từ trước và đã thu thập hồ sơ, tư liệu, tiến hành nghiên cứu. Trong quá trình người dân sinh sống ở khu vực này, chúng tôi đánh giá rất cao ý thức bảo vệ di sản của người dân, nhờ đó đến nay vẫn cơ bản giữ được giá trị cốt lõi của di tích. Sắp đến chúng tôi sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị 2 cổng thành cùng với các điểm di tích trong quần thể di tích cố đô Huế", ông Võ Lê Nhật- Giám đốc TTBTDT cố đô Huế nói.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_227228_-xuat-lo-2-cong-gach-vo-trong-kinh-thanh-hue.aspx