Xuất khẩu xoài sang Mỹ không 'dễ ăn'

Cơ quan Kiểm dịch sức khỏe động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố giấy phép có hiệu lực bắt đầu từ ngày 29/12/2017 cho trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Như vậy, từ năm 2018, xoài Việt Nam có cơ hội tăng giá trị kim ngạch xoài từ xuất khẩu.

Xoài xuất khẩu của Công ty Yasaka (Bình Dương) đưa vào máy chiếu xạ trước khi đóng gói. Ảnh: Trần Mạnh

Xoài xuất khẩu của Công ty Yasaka (Bình Dương) đưa vào máy chiếu xạ trước khi đóng gói. Ảnh: Trần Mạnh

Xoài Việt chỉ chiếm 1%

Theo đó, xoài tươi từ Việt Nam sẽ vào thị trường Mỹ với điều kiện phải được kiểm soát một cách có hệ thống bao gồm tuân thủ các điều kiện về nhà vườn và cơ sở đóng gói, xử lý chiếu xạ, và kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.

Trái xoài Việt Nam cũng phải được nhập khẩu thông qua hình thức các lô hàng thương mại và kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do một cơ quan kiểm dịch quốc gia của Việt Nam cấp với điều kiện kèm theo khẳng định lô hàng đã được kiểm dịch.

Cơ quan Thanh tra Sức khỏe Thực vật Và Động vật Mỹ (APHIS), chỉ cho phép nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào lục địa Hoa Kỳ, khi được xử lý chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy, nhằm loại bỏ toàn bộ côn trùng trừ một số loài như nhộng và sâu bọ cánh vảy trưởng thành, do liều lượng này chưa đủ để tiêu diệt, xong đủ để tiêu diệt ấu trùng của chúng.

Kể cả khi sản phẩm xoài VN đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và an toàn, nhưng liệu có phù hợp với thị hiếu và được người tiêu dùng tại thị trường Mỹ chấp nhận hay không mới là vấn đề.

Những mối nguy cơ do nấm Macrophoma mangiferae cũng phải được xử lý trước một thời gian trước khi thu hoạch. Trái cây phải từ các vườn trồng đã được phun thuốc diệt nấm trên diện rộng trong quá trình phát triển.
Mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái xoài tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp, trong đó phải ghi rõ trái cây trong lô hàng đã được kiểm dịch và không phát hiện thấy các loại dịch hại như Macrophoma mangiferae, Xanthomonas campestri và Mangiferaeindicae.

Từ năm 1997 cho tới năm 2015, lượng xoài tươi nhập cảng vào nước này đã tăng từ 187.000 tấn lên đến 391.000 tấn. Nhu cầu gia tăng của thị trường này sẽ được bù đắp bởi 3.000 tấn xoài tươi của Việt Nam được nhập cảng mỗi năm, tương đương khoảng gần 1% lượng nhập khẩu xoài tươi của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng nội địa của Hoa Kỳ.

Từ lâu, các nước Trung và Nam Mỹ đã cung cấp đại đa số xoài được bán ở thị trường Mỹ, trong đó, chủ yếu là các nước Mexico, Ecuador, và Peru.

Chất lượng thôi - chưa đủ!

Chia sẻ với DĐDN, ông Đàm Quang Thắng - TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết, xoài là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Cty Agricare, doanh nghiệp hiện chỉ xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường khó tính như Úc. Mỹ là thị trường mà doanh nghiệp luôn muốn hướng tới.

“Xoài Việt Nam nói chung có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước. Tuy nhiên, với thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn hoa quả tại Mexico, đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, tương ướng mức 1,5 tấn/năm. Đặc biệt, không riêng với xoài, Mexico nổi tiếng với nguồn hoa quả tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng thẳng thắn nhận định, bước đạt được thỏa thuận về nguyên tắc này đã là một thành công, tuy nhiên mới được xem là mở cửa biên giới, mang tính thử nghiệm. “Để thực sự “chen chân” được vào thị trường khó tính hàng đầu thế giới này, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý bởi tại Mỹ là tiêu chuẩn chiếu xạ, sản phẩm xoài Việt sẽ phải đáp ứng đầy đủ hàng rào kỹ thuật này”, ông Thắng nhìn nhận.

Sở Kiểm dịch Thực Động vật Hoa Kỳ (APHIS) cũng đã giải thích: "Cách tiếp cận hệ thống đối với xoài từ Việt Nam bao gồm yêu cầu về vườn cây và đóng gói, xử lý chiếu xạ, và kiểm tra cổng kiểm tra nhập cảnh để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của sâu bệnh hại cây trồng".

Trong khi thông báo của APHIS cho biết, sẽ có khoảng 3.000 tấn xoài của Việt Nam được nhập cảng hàng năm, thì ông Thắng lại cho rằng, việc đánh giá sản lượng xoài vào Mỹ lúc này là quá sớm. Bởi khi sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và an toàn, nhưng liệu có phù hợp với thị hiếu và được người tiêu dùng tại thị trường này chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Thói quen của người tiêu dùng tại mỗi thị trường là khác nhau, xoài Việt như vậy nhưng không phải ai cũng thích còn tùy thuộc người tiêu dùng Mỹ có thích trái cây nhiều đường hay không? Các đối tác phân phối tại thị trường này thế nào? Sẽ còn cần thời gian dài để thử nghiệm”, ông Thắng phân tích.

Thậm chí vị này còn cho biết, người tiêu dùng Mỹ có cái nhìn khá tiêu cực về sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. “Bang California của Mỹ là nơi có rất nhiều người Việt sinh sống, tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản Việt ở đây rất chậm chễ. Quả nhãn vừa qua cũng đã xuất khẩu thành công sang thị trường này nhưng tuyệt nhiên chưa bán được cũng bởi khách hàng chưa tin tưởng, hơn nữa họ có nhiều sự lựa chọn, nhiều sản phẩm khác thay thế”, TGĐ Agricare thẳng thắn.

Do đó, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Liên Hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn VN cho rằng, chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm sẽ là khó khăn lớn với doanh nghiệp và sản phẩm xoài Việt.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/xuat-khau-xoai-sang-my-khong-de-an-121507.html