Xuất khẩu vũ khí của Mỹ giai đoạn 2015 - 2019 tăng 23%

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa đưa ra báo cáo phân tích thị trường vũ khí toàn cầu giai đoạn 2015-2019. Trong báo cáo của SIPRI, Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách xuất khẩu vũ khí trên thế giới và có mức tăng trưởng cao trong năm 2019 đạt 23%.

SIPRI nhận định, trong giai đoạn 2015-2019, Mỹ đã xuất khẩu vũ khí-trang bị quân sự cho 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phân nửa tổng giá trị là sang các quốc gia thuộc khu vực Cận Đông. Với việc Mỹ bắt đầu xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35, nhu cầu trên thế giới về các dòng máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ cũng tăng mạnh.

 Với thế mạnh là các tập đoàn vũ khí khổng lồ và chi phối chính trị, Mỹ luôn là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Với thế mạnh là các tập đoàn vũ khí khổng lồ và chi phối chính trị, Mỹ luôn là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Trái ngược với Mỹ, trong giai đoạn này, tổng khối lượng vũ khí-trang bị Nga xuất khẩu trong 5 năm qua đã giảm khoảng 6% so với giai đoạn 5 năm trước đó 2010-2014, đạt mức 21% tổng giá trị xuất vũ khí toàn cầu. Trong đó, giá trị xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ giảm tới 47%. SIPRI đánh giá, Ấn Độ trong nhiều năm trở lại đây tăng cường đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, nên tổng giá trị nhập khẩu từ Nga giảm là hiện tượng bình thường.

“Ấn Độ hiện quan tâm tới các dòng vũ khí có hàm lượng công nghệ cao và các dòng vũ khí Nga chưa đáp ứng được yêu cầu của New Delhi về vấn đề này”, SIPRI đánh giá.

Trong giai đoạn 2015-2019, Nga đã xuất khẩu vũ khí-trang bị cho 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đối tác chính chiếm tới hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu là Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria. Mỹ và Nga tiếp tục giữa hai vị trí đứng đầu trong bảng danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu trong giai đoạn 2015-2019.

Dù không có lợi thế như Mỹ, nhưng Nga vẫn chiếm lĩnh phần đáng kể trong thị trường vũ khí thế giới nhờ tính năng vũ khí, giá thành và không bị ràng buộc chính trị trong các hợp đồng xuất khẩu.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm được thành lập vào năm 1966 và là một tổ chức phân tích độc lập chuyên nghiên cứu xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí. Cơ sở dữ liệu của SIPRI bao quát toàn bộ giai đoạn từ năm 1950 và các chuyên gia của Viện thường sử dụng các số liệu trong khoảng thời gian 5 năm để mô tả xu hướng chuyển giao quân sự quốc tế.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/xuat-khau-vu-khi-cua-my-giai-doan-2015-2019-tang-23-611836