Xuất khẩu viên nén mùn cưa của Mỹ tăng bùng nổ trước nhu cầu thay thế cho than, khí đốt

Xuất khẩu viên nén gỗ (hay còn gọi là viên nén mùn cưa) của Mỹ đang bùng nổ nhờ nhu cầu tăng mạnh ở châu Á và châu Âu trong bối cảnh nguồn cung loại chất đốt sinh khối này từ Nga và Ukraine cũng như Belarus bị tắc nghẽn do chiến tranh. Nhu cầu viên nén gỗ tăng mạnh khi nhiều công ty điện lực chuyển sang đốt nó để sản xuất điện, thay thế cho than và khí đốt, hai loại nhiên liệu đang khan hiếm và đắt đỏ.

Viên nén gỗ trở thành chất đốt sản xuất năng lượng có nhu cầu cao ở châu Âu trong bối cảnh giá than và khí đốt tăng vọt. Ảnh: WSJ

Viên nén gỗ trở thành chất đốt sản xuất năng lượng có nhu cầu cao ở châu Âu trong bối cảnh giá than và khí đốt tăng vọt. Ảnh: WSJ

Khối lượng viên nén gỗ xuất khẩu của Mỹ tăng đều đặn trong thập niên qua và tăng bứt phá vào năm ngoái với con số kỷ lục 7,4 triệu tấn được bán ra nước ngoài, theo Cục Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hiện nay, giá viên nén gỗ xuất khẩu trung bình của Mỹ trước bảo hiểm và chi phí vận chuyển đã tăng lên gần 170 đô la Mỹ/tấn, từ khoảng 140 đô la Mỹ vào năm ngoái.

Các nhà phân tích và các lãnh đạo trong ngành cho biết giá viên nén gỗ trên thị trường giao ngay thậm chí tăng gần gấp đôi do nguồn cung khan hiếm.

Công ty được hưởng lợi lớn là Enviva có trụ sở ở Bethesda, bang Maryland và cổ đông lớn nhất của nó, Công ty đầu tư năng lượng New York Riverstone Holdings.

Enviva chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ. Kể từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, cổ phiếu của công ty này đã mang lại tỷ suất lợi nhuận 114%, bao gồm cả cổ tức, cao hơn gấp đôi so với mức tăng 46% của chỉ số S&P 500 trong khoảng thời gian đó.

Công ty này mua cành cây, vỏ cây, mùn cưa, các khúc gỗ mục hoặc bị bệnh và các loại gỗ phế thải khác từ các chủ đất và xưởng cưa, rồi chế biến thành những viên nén có kích cỡ như viên phấn.

Sản phẩm viên nén gỗ của Enviva được vận chuyển từ các cảng dọc theo Đại Tây Dương và phía bắc Vịnh Mexico đến các công ty điện lực ở châu Âu và qua kênh đào Panama để đến châu Á. Nhật Bản là một nhà nhập khẩu lớn và Enviva đã thiết lập một đại lý bán hàng tại Đài Loan trước khi một nhà máy nhiệt điện than lớn ở đây chuyển đổi sang đốt viên nén gỗ.

Tuần trước, Enviva cho biết họ đã ký các hợp đồng cung cấp có thời hạn 5, 10 và 15 năm với các khách hàng mới ở Đức. Một trong số họ sẽ đốt các viên nén gỗ của Enviva để tạo ra nhiệt sử dụng trong quá trình sản xuất và một khách hàng khác sử dụng chúng để sản xuất điện, thay thế than nâu và khí đốt tự nhiên, vốn tăng giá thậm chí còn mạnh hơn trong năm qua.

Dù một số nhà khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng đốt viên nén gỗ cũng không sạch hơn than nhiều khi xét đến vấn đề phát thải carbon, nhưng chất đốt sinh khối được tính vào các mục tiêu năng lượng tái tạo theo các quy định của châu Âu. Nhu cầu viên nén gỗ tăng lên do chiến sự ở Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của châu Âu gồm cấm nhập khẩu nhiên liệu sinh khối này từ Nga cùng với đồng minh Belarus. Chiến tranh cũng làm gián đoạn các chuyến hàng viên nén gỗ từ Ukraine.

Brooks Mendell, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Forisk Consulting, cho biết có khoảng 3 triệu tấn viên nén gỗ hàng năm từ các nước này cần được thay thế ở Tây Âu. Giá khí đốt tự nhiên và giá than ở châu Âu đã tăng gấp nhiều lần so với mức giá của chúng trước đại dịch Covid-19 do nguồn cung bị gián đoạn kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, khiến viên nén gỗ trở thành chất đốt thay thế được ưa chuộng.

Tại Mỹ, viên nén gỗ bán chủ yếu để sử dụng cho lò sưởi và lò nướng. Xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ đã “cất cánh” cách đây khoảng một thập niên khi các quy định ở châu Âu khuyến khích đốt sinh khối để tạo nhiệt.

Với sự hỗ trợ tài chính từ cổ đông New York Riverstone Holdings, Enviva bắt đầu mở rộng kinh doanh viên nén gỗ vào năm 2010 với việc mua lại một nhà máy ở Amory, bang Mississippi.

Enviva đang xây dựng nhà máy lớn sản xuất viên nén gỗ lớn nhất của mình ở Epes, bang Alabama. Đây sẽ là nhà máy viên nén gỗ lớn nhất thế giới, với công suất 1,1 triệu tấn/năm. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng một số nhà máy sản xuất viên nén gỗ mới ở Bond, bang Mississippi với tổng vốn đầu tư 250 triệu đô la để tăng gấp đôi tổng công suất, lên mức 13 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới.

Rajan Parajuli, giáo sư lâm nghiệp của Đại học bang North Carolina, nói rằng hoạt động kinh doanh viên nén đã hỗ trợ những người trồng thông ở khu vực miền nam nước Mỹ, nơi mà lượng cây thông trưởng thành đang dư thừa, làm giảm giá gỗ súc.

Ông phát hiện ra rằng sự hiện diện của nhà máy sản xuất viên nén gỗ làm tăng sự cạnh tranh và tăng giá đối với những cây quá gầy để làm gỗ và mang lại cho các chủ đất một sản phẩm bổ sung để bán khi chặt dọn cây cối trên mảnh đất của họ.

Các nhà phân tích cho rằng những thay đổi trong chính sách của các chính phủ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Enviva và những công ty khác hoạt động trong ngành sản xuất viên nén gỗ. Hồi tháng 5, Ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu nhất trí ngừng khuyến khích đốt sinh khối gỗ để sản xuất năng lượng bằng cách loại bỏ trợ cấp đối với nhiên liệu này và thay đổi cách tính lượng khí thải phát ra khi đốt chúng. Tuy nhiên, những thay đổi này cần được toàn thể Nghị viện châu Âu thông qua.

“Trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng nguồn cung khí đốt tự nhiên, đây có vẻ là thời điểm tồi tệ nhất để thay đổi chính sách về năng lượng sinh học. Chúng tôi không tin Ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu sẽ sớm thúc đẩy được điều đó”, các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Raymond James viết trong một báo cáo vào tuần trước.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-vien-nen-mun-cua-cua-my-tang-bung-no-truoc-nhu-cau-thay-the-cho-than-khi-dot/