Xuất khẩu vào 'đường đua' hậu Covid-19

Việc các nền kinh tế tiêu dùng lớn của thế giới như: Mỹ, EU, Trung Quốc... mở cửa trở lại sẽ tạo ra cơ hội để xuất khẩu Việt Nam tận dụng nhiều đơn hàng lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tất nhiên, muốn nắm bắt được thời cơ thì doanh nghiệp (DN) cần vượt qua những thách thức về chất lượng, giá thành của sản phẩm, cũng như các rào cản phi thuế quan và đặc biệt là nắm bắt được nhu cầu khi thị trường đã bước sang giai đoạn hậu Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu (XK) 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như: điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN. Tổng kim ngạch XK 5 tháng ước đạt 131,13 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.

Không thiếu đơn hàng

Thời điểm này, huyện Yên Châu (Sơn La) đang vào chính vụ thu hoạch xoài tượng da xanh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều phương án về phát triển thị trường cho trái xoài đã được đưa ra. Theo đó, trên địa bàn huyện Yên Châu hiện có hơn 10 hợp tác xã (HTX), DN trực tiếp đứng ra thu mua và tiêu thụ xoài tượng da xanh tại tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Ông Dương Mạnh Hà, Giám đốc HTX Hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang (Yên Châu - Sơn La) chia sẻ, HTX liên kết với 3 DN thu mua tất cả xoài tượng da xanh cho nông dân. Đến nay, HTX đã thu mua trên 2.000 tấn cung cấp cho các công ty XK và tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu), cho biết HTX đang liên kết với DN, mỗi ngày thu mua hàng chục tấn xoài cho tất các xã trên địa bàn huyện để XK sang Trung Quốc. Hướng sản xuất lâu dài, bền vững của HTX là kiên trì thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn để giữ được thương hiệu xoài Yên Châu.

Bên cạnh nông sản, mặt hàng dệt may cũng đang cho thấy tín hiệu tích cực. Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, do Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh lớn của ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các DN quốc tế chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam. Nhiều công ty trong ngành có đơn hàng đến hết năm 2021.

Báo cáo về tình hình ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương cũng cho biết, đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Tương tự, các biện pháp cách ly ở nhiều nước vì dịch Covid-19 cùng việc tăng cường sử dụng công nghệ trực tuyến giúp XK mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử cũng tăng mạnh. Theo đó, năm 2021, ngành điện tử dự báo tiếp tục tăng trưởng, XK máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử có thể đạt khoảng 53-54 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra những lo ngại việc dịch bùng phát ở các khu công nghiệp lớn ở Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu dùng lớn của thế giới như Mỹ và EU mở cửa trở lại, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn sẽ bị ảnh hưởng.

Đồng thời, do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm XK Việt Nam.

Nắm bắt xu hướng thị trường

Trước thời cơ hậu Covid-19, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, thời gian tới ngành nông nghiệp cần phải tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do, trong đó tập trung vào các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, EU.

Đối với thị trường Trung Quốc, phải tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng. Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những vướng mắc khi xuất khẩu sang thị trường này.

"Hiện nay, có 9 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đang đàm phán thêm 8 mặt hàng. Đặc biệt, để tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, các Bộ, ngành có thể nghiên cứu thiết lập phương thức vận tải đường thủy sang Trung Quốc", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Để đạt được XK bền vững thì việc nắm tín hiệu thị trường rất quan trọng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, nhìn nhận việc phát triển diện tích một loại trái cây cần tính đến nhu cầu thị trường quốc tế cũng như công nghệ bảo quản, chế biến đi kèm thì mới đảm bảo đầu ra cho nông sản. Ví dụ như quả mít, lâu nay vẫn chủ yếu bán tươi sang Trung Quốc vì các thị trường khác có nhu cầu rất thấp hoặc không có nhu cầu. "Mỹ là thị trường chủ lực của Vina T&T nhưng họ đã có nguồn mít giá rẻ từ Mexico", ông Tùng chia sẻ.

Theo đó, đại diện Vina T&T cho biết, năm nay sẽ tăng trưởng XK mặt hàng sầu riêng và dừa tươi. Dự kiến lượng sầu riêng của DN XK sẽ vượt con số 1.000 tấn của năm 2020. Sầu riêng giữ được giá tốt do nhu cầu thị trường thế giới lớn, đa dạng từ bán tươi cho thị trường gần như Trung Quốc hoặc cấp đông cho các thị trường xa.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc tạo được nguồn hàng ổn định cho XK là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải.

Lấy ví dụ ngành Hàng dệt may, ông Hải cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều địa phương không đón nhận đầu tư dệt nhuộm, coi đó là ngành sản xuất tác động xấu đến môi trường. "Đây là yếu tố ta cần làm rõ vì hiện nay công nghệ dệt nhuộm đã có nhiều cải thiện. Nếu như nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về môi trường thì các địa phương có thể xem xét để giải quyết điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may, nâng cao giá trị gia tăng của ngành này", ông Hải nói.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường XK. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức giúp DN khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Hỗ trợ các DN về thông tin thị trường cũng như xúc tiến thương mại nhằm tận dụng tốt cơ hội phục hồi của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT công ty CP Ameii Việt Nam

DN không thể giám sát 100% khâu sản xuất của bà con nông dân, HTX. Vì vậy, bắt buộc phải nâng cao ý thức của người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm XK - đó là điều quan trọng nhất. Để thay đổi được tư duy thì cần có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn, đầu tư, nhà xưởng, trang thiết bị đóng gói. Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa DN với người nông dân, HTX. Mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để DN tạo ra sản phẩm tốt hay chưa. Đây mới chính là nút thắt cần được tháo gỡ nếu muốn đưa nông sản Việt ra thế giới.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại

Chống gian lận xuất xứ cũng là một giải pháp cấp bách để giúp XK duy trì tăng trưởng bền vững. Trong năm 2021, Cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước; sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ DN trong việc chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng.

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xuat-khau-vao-duong-dua-hau-covid19-335277.html