Xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh: Định vị sản phẩm tiêu biểu

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã giao Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và các chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng đề án 'Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu'.

Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để phát triển xuất khẩu

Khó chọn lựa

Theo báo cáo từ nhóm chuyên gia thực hiện đề án giai đoạn 2006 - 2010 ghi nhận kết quả tăng trưởng xuất khẩu chung của thành phố đạt 19,13%, cao hơn mục tiêu đề ra là 17,4%, đây cũng là mức tăng trưởng thực tế bình quân giai đoạn 2006 - 2010 của cả nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu lại đi ngược với mục tiêu, tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp tăng từ 17,6% lên 25,3%, trong khi tỷ trọng ngành công nghiệp lại giảm từ 59,3% xuống 53,1%, nhóm hàng hóa khác giảm xuống 21,7%.

Trong giai đoạn 2011- 2015, sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành được ghi nhận là phù hợp với mục tiêu và định hướng cơ cấu của thành phố. Cụ thể, tỷ trọng hàng công nghiệp tăng từ 52,7% lên 74,4%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 25,5% xuống 18,4%, nhóm hàng hóa khác giảm mạnh từ 21,8% xuống 7,2%.

Theo TS. Đinh Công Khải - Chủ nhiệm đề án, sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu ở hai giai đoạn trên cho thấy những hạn chế từ mô hình tăng trưởng xuất khẩu vẫn tăng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển.

Thực tế thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện cả 4 ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, không tạo được điểm nhấn xuất khẩu.

Tập trung vào ngành dịch vụ

Đóng góp ý kiến xây dựng đề án, TS. Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, đề án mới bàn về sản phẩm hàng hóa mà chưa tính tới sản phẩm dịch vụ. Theo ông Hùng, thành phố cần tìm cách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm phục vụ xuất khẩu thông qua phát triển ngành dịch vụ. Bởi sẽ rất khó tìm được sản phẩm xuất khẩu chủ lực khi giày da, may mặc hiện chiếm 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhưng thời gian tới, thành phố không tiếp tục ưu tiên phát triển, vì thế cần chú ý phát triển các sản phẩm dịch vụ về tài chính, logistics...

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, thành phố không nên cố đi tìm xem sản xuất sản phẩm cụ thể nào đó để xuất khẩu mà nên xây dựng vị thế là trung tâm tạo ra chuỗi giá trị. Nên tính tới việc phát triển theo vùng kinh tế, trong đó có vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh với hệ thống hạ tầng tốt để kết nối các tuyến đường trọng điểm ra vào cảng, các luồng lạch, kho tàng, bến bãi, cảng biển và các địa điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Xây dựng trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu và tổ chức hội chợ triển lãm thương mại hàng xuất khẩu với quy mô quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần tăng kim ngạch dịch vụ và quảng bá hàng Việt Nam với khách quốc tế. n

Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh nên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Để làm được việc này, hoạt động sản xuất của thành phố phải được gắn kết với các vùng kinh tế trọng điểm nhằm khai thác thế mạnh từng tỉnh, thành phố, gắn kết với vùng nguyên liệu, tận dụng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ...

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/xuat-khau-tp-ho-chi-minh-dinh-vi-san-pham-tieu-bieu-108951.html