Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7-8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về tình hình xuất nhập khẩu năm 2019.

Tính đến hết tháng 11, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 11, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Năm thứ xuất siêu

Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).

Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

“Tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, điều này cho thấy chúng ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết”, ông Hải nhấn mạnh và nêu ví dụ, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đơn cử, xuất khẩu sang Canada 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%.

Nhiều chuyên gia quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam

Trong khi đó, đã có nhiều tổ chức nước ngoài đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, kèm theo những đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế trong thời gian tới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7% nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa do được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Tập đoàn Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 từ mức 6,7% lên 6,9%, với nhận định kinh tế sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc trong quý IV. Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. hiện đã dự báo mức tăng trưởng 7% cho kinh tế Việt Nam năm 2019, so với dự báo trước đó là 6,8%.

Tập đoàn ngân hàng Singapore United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh mức dự báo thành 6,8%, từ mốc 6,7% trước đó, trong khi Capital Economics Ltd. giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng đạt 7%. Các tổ chức này đều cho rằng 2 điểm sáng là tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phản ánh kinh tế Việt Nam đang chuyển biến về cơ cấu, giảm dần phụ thuộc vào bên ngoài và dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Standard Chartered cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.

United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh từ mức 6,7% lên 6,8%, trong khi Capital econom Ltd. giữ nguyên mức tăng dự báo là 7%. Ngân hàng HSBC dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,7% cho cả năm.

Kết quả này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xuat-khau-tang-truong-an-tuong-162965.html