Xuất khẩu sang Ma-rốc cần đặc biệt lưu ý những gì?

Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ma-rốc, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu, đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro.

Ma-rốc là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu thị trường đa dạng, yêu cầu kĩ thuật không cao. Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ma-rốc các doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu, xác minh đối tác kỹ lưỡng, cũng như đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, nhất là điều khoản thanh toán cần đảm bảo tính ràng buộc để giảm thiểu rủi ro. Để quý vị và các bạn có thêm thông tin về thị trường này, phóng viên Ngọc Thạch phỏng vấn ông Đỗ Việt Phương, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc về những cơ hội, tiềm năng hợp tác và tránh những rủi ro.

PV Ngọc Thạch phỏng vấn Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc Đỗ Việt Phương về cơ hội và tiềm năng hợp tác với Ma-rốc - Ảnh Ngọc Thạch.

PV Ngọc Thạch phỏng vấn Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc Đỗ Việt Phương về cơ hội và tiềm năng hợp tác với Ma-rốc - Ảnh Ngọc Thạch.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc?

Trưởng thương vụ Đỗ Việt Phương: Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc có những cơ sở hết sức vững chắc và nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo hai nước. Bộ Công Thương cũng đã cùng với đối tác Ma-rốc ký hai thỏa thuận hợp tác quan trọng, là khung cơ sở để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước lên một tầm cao mới.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc rất quan tâm tới thúc đẩy thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp. Trao đổi thương mại Việt Nam và Ma-rốc thời gian qua đạt 214 triệu năm 2018. Nếu so với kim ngạch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Phi thì đây là một con số đáng kích lệ.

Tuy vậy, quan hệ kinh tế hai nước có rất nhiều tiềm năng mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên có thể khai thác. Ví dụ, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ma-rốc có thể nói là không trùng nhau mà bổ trợ lẫn nhau. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo hai bên có thể tăng cường kim ngạch bên vững. Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Ma-rốc, ví dụ như các mặt hàng nông thủy sản chế biến, hàng tiêu dùng nói chung.

Hàng Việt Nam đảm bảo có thể cung cấp được cho tất cả các phân khúc của thị trường Ma-rốc và tiếp cận một cách tốt nhất bởi nhu cầu và thị hiếu của người dân Ma-rốc đối với hàng hóa Việt Nam rất tốt. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa nhập khẩu nhiều từ Ma-rốc nhưng có thể nhập nguyên liệu thức ăn gia súc, nguyên liệu của mặt hàng dệt may. Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, hai bên có thể khai thác tốt các tiềm năng này.

PV: Vậy thưa ông, khi làm văn với thị trường Trung Đông châu Phi nói chung, cũng như Maroc, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý điều gì?

Trưởng thương vụ Đỗ Việt Phương: Ma-rốc và các địa bàn thương vụ Ma-rốc kiêm nhiệm có những đặc thù riêng. Tôi có thể khái quát, một là khi tiếp cận đối tác hoặc nhận được đơn đề nghị đặt hàng nào đó thì đề nghị doanh nghiệp Việt nam cần quan tâm tìm hiểu chính xác thông tin, hồ sơ, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nếu cần thiết có thể liên hệ với Thương vụ để qua các kênh, chúng tôi có thể xác minh giúp doanh nghiệp nhằm giảm rủi ro.

Thứ hai về đặt cọc, tập quán của các doanh nghiệp tại châu Phi nói chung và Ma-rốc nói riêng có xu hướng không muốn đặt cọc trong lần giao dịch đầu tiên. Nhưng đây lại chính là kẽ hở để những doanh nghiệp có uy tín không cao sẽ gian lận hoặc lừa đảo. Việc đặt cọc trước tối thiểu 25% sẽ đảm bảo các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện cam kết của mình và như vậy cũng ít bị bỏ hàng hơn.

Thứ ba, trong quá trình giao dịch qua đối tác trung gian, đối tác trung gian có thể thực hiện các việc không tốt như: cắt dán các con dấu, giả mạo chữ ký để trao đổi và để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, người mua và phân phối bán lẻ tại Ma-rốc không biết. Vì vậy, sau khi hàng gửi theo địa chỉ tới Ma-rốc thì người nhập khẩu lại không lấy hàng. Đây là một trong những kẽ hở mà doanh nghiệp Việt phải rất thận trọng.

Đồng thời với việc đó, phải tìm các hãng tàu giao nhận uy tín để đảm bảo không có sự cấu kết giữa bên giao nhận với bên nhập khẩu, có thể họ sẽ cung cấp bộ chứng từ cho bên nhập khẩu để lấy hàng mà không qua ngân hàng. Yếu tố cuối cùng liên quan tới vận đơn gốc, vận đơn gốc thường in màu thì tuyệt đối chúng ta không được chụp gửi cho đối tác, vì nếu gửi, có thể họ sẽ in giả.

PV: Bên cạnh những rủi ro, chúng ta cũng thấy rằng, Việt Nam và Ma-rốc có rất nhiều tiềm năng hợp tác. Vậy trong thời gian tới, doanh nghiệp hai nước và các bộ, ngành hai nước cần làm gì để thúc đẩy, khai thác tiềm năng này đạt hiệu quả cao nhất?

Trưởng thương vụ Đỗ Việt Phương: Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều biện pháp áp dụng để tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Ma-rốc. Tuy nhiên do đặc thù của địa bàn, chúng tôi mong muốn có những khuyến nghị doanh nghiệp cụ thể và đi sâu, đi sát để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận địa bàn. Bộ Công Thương có trang web riêng, tại đây, thương vụ Việt Nam tại các nước có thể đăng các cơ hội kinh doanh lên đó. Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp cận thông tin và đăng công khai để trên cơ sở đó các doanh nghiệp có quyết định kinh doanh đúng đắn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình./.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-sang-maroc-can-dac-biet-luu-y-nhung-gi-985559.vov