Xuất khẩu sang ASEAN cần có sự khác biệt

Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) về những “nút thắt” của hàng Việt, DN Việt khi XK sang thị trường ASEAN.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường ASEAN đối với Việt Nam?

Có thể khẳng định rằng, ASEAN là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam bởi đây là khu vực có nhiều quốc gia với hơn 600 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD (gấp hơn 10 lần của Việt Nam), quy mô thương mại khá lớn.

ASEAN cũng là thị trường quan trọng đối với Việt Nam về XK, NK lẫn nhập siêu. Cụ thể, ASEAN là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ, EU. Ví dụ năm 2015, kim ngạch XK sang ASEAN chiếm 11% tổng kim ngạch XK của cả nước, trong khi đó, Việt Nam NK từ thị trường này cũng khá lớn chiếm trên 14% tổng kim ngạch NK của cả nước và là thị trường NK lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong số 10 nước ASEAN, có đến 6 nước Việt Nam đã XK với kim ngạch trên 2 tỷ USD, trong đó có 3 nước XK trên 3 tỷ USD (Thái Lan, Malaysia, Singapore).

Tiềm năng của thị trường ASEAN đã và đang được mở rộng hơn, phát triển nhanh hơn. Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia vào ASEAN từ năm 1995 và đến năm 1996, Việt Nam tiếp tục tham gia vào Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (hay còn gọi là ATIGA). Mới đây nhất, khi AEC hình thành, cánh cửa thị trường đã mở (tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động…) càng tạo cơ hội rộng lớn cho Việt Nam khi XK sang ASEAN.

Trên thực tế, hàng hóa từ các nước ASEAN thâm nhập thị trường Việt Nam rất tốt. Nhưng hàng Việt Nam thì ngược lại, khó bám rễ vào các nước ASEAN. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến hàng Việt cũng như DN Việt Nam khó tiếp cận thị trường này?

Năng lực cạnh tranh của DN và hàng hóa các nước ASEAN cao hơn Việt Nam. Theo đó, hàng hóa của ASEAN có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú. Các DN của các nước ASEAN có chiến lược tiếp thị tốt, chiến lược sản phẩm tốt nên đã thâm nhập thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Ngoài ra, các DN này còn tham gia vào nhiều thương vụ sáp nhập, mua bán, điều đó cho thấy họ có chiến lược tiếp cận và mở rộng thị trường.

Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam chất lượng kém, kể cả hàng nông sản lẫn hàng công nghiệp, mẫu mã không đẹp, chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là thương hiệu không có, chất lượng kém, giá cả không cạnh tranh. Thêm vào đó, chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm của DN Việt cũng kém. Chưa kể, quy mô DN chưa đủ lớn để có thể tham gia các thương vụ mua bán, sáp nhập ở các nước ASEAN.

Đây là bức tranh tương phản giữa Việt Nam và các nước ASEAN thể hiện ở năng lực cạnh tranh của sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DN Việt còn kém.

Thưa ông, ngoài những lý do trên, có ý kiến cho rằng, hàng hóa Việt Nam với các nước ASEAN có sự tương đồng lớn. Đây cũng là một trong những khó khăn cho hàng Việt Nam khi thâm nhập thị trường ASEAN?

Tôi cho rằng, hàng hóa có sự tương đồng với các nước ASEAN có ảnh hưởng đến việc XK của Việt Nam sang ASEAN. Nhưng đây không phải là vấn đề không xử lý được. Hiện nay, trên thế giới, thương mại nội bộ ngành, tức là thương mại trong cùng một ngành, một lĩnh vực là hiện tượng khá phổ biến nhưng vẫn xử lý được bằng cách tạo ra sự khác biệt về chủng loại, mẫu mã, giá cả, chất lượng.

ASEAN bao gồm 10 nước nên có thể hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với nước này mà lại không cạnh tranh với nước kia. Do vậy, muốn XK sang ASEAN cần sản xuất những mặt hàng mang tính bổ sung. Ví dụ, cũng là gạo, chúng ta không thể xuất sang Thái Lan bởi đây là thị trường sản xuất khá nhiều gạo. Tuy nhiên, chúng ta có thể XK gạo sang Philippines, Indonesia- những thị trường không có sự cạnh tranh về mặt hàng này.

Với tiềm năng thị trường như ông nhận định, để XK sang thị trường này, cần phải làm gì thưa ông?

Cánh cửa hội nhập đã mở tạo cơ hội tốt cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường ASEAN. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi thì sẽ khó có thể tận dụng được cơ hội. Để có thể XK sang các nước ASEAN nhiều hơn nữa, trước tiên chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại phong phú vì nhu cầu thị trường đa dạng.

Phía DN phải có chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm tốt hơn, phải có tầm nhìn tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN bằng nguồn nhân lực, bằng công nghệ để tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.

Nếu năng lực cạnh tranh của sản phẩm và DN Việt Nam vẫn thấp thì càng mở cửa hàng hóa, các nước sang Việt Nam ngày càng nhiều trong khi Việt Nam không thâm nhập được thị trường ASEAN. Lúc đó, hàng Việt không chỉ thua trên sân khách mà còn thua ngay trên chính sân nhà.

Khi trao đổi với một số DN thì được biết, họ rất thiếu thông tin về thị trường ASEAN. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Câu chuyện thiếu thông tin của DN không còn là chuyện riêng đối với thị trường ASEAN mà còn là tình trạng chung của nhiều thị trường khác. Trong 4 nguồn chủ yếu của DN là vật lực, nhân lực, tài lực, tin lực thì vấn đề tin lực nói chung còn kém. Do vậy, năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế không cao, nguyên nhân do cách khai thác, tận dụng tối đa hiệu quả thông tin chưa tốt, trong khi các nước làm tốt hơn.

DN Việt Nam nhìn chung còn yếu về mặt thông tin và chưa biết cách khai thác, sử dụng thông tin sao cho hiệu quả, thậm chí còn có DN chưa chú trọng đầu tư cho vấn đề thông tin.

Trong bối cảnh hiện nay, thông tin là nguồn lực quan trọng, trong nhiều trường hợp còn mang tính quyết định. Do đó, DN cần phải nhận thức được vấn đề này để đầu tư và khai thác hiệu quả. Tất nhiên, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ nhất định đối với các DN, nhất là DN vừa và nhỏ về thông tin, hướng dẫn cho DN cách khai thác thông tin.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-sang-asean-can-co-su-khac-biet.aspx