Xuất khẩu rau quả cần bám tín hiệu thị trường

Năm 2022 nhiều thị trường mới cho rau quả đã được chính thức mở ra bằng các văn bản pháp lý giữa Việt Nam và các nước đối tác. Tuy nhiên người sản xuất cũng cần bám sát các tín hiệu của thị trường nhập khẩu để có thể sản xuất hợp lý, mang lại giá trị cao cho nông sản xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bày tỏ lo ngại về phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng trên cả nước - Ảnh" VGP/Đỗ Hương

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bày tỏ lo ngại về phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng trên cả nước - Ảnh" VGP/Đỗ Hương

Lo ngại từ quả sầu riêng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2023 sẽ khởi sắc nhờ các yếu tố tác động như: thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách "Zero Covid"; trong năm 2022, Trung Quốc chính thức cấp phép cho trái sầu riêng, chanh leo và khoai lang của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, những loại quả khác như thanh long, xoài, chuối… cũng sẽ được Trung Quốc tăng nhập khẩu, bởi nước này vừa trải qua hạn hán, nhiều diện tích canh tác bị ảnh hưởng.

Ngày 17/9/2022, 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trước những kỳ vọng lớn về giá trị của loại quả này, người dân nhiều địa phương lập tức đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng rất nhanh chóng.

Chính vì vậy đến ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã phải lập tức ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo.

Chỉ thị nêu rõ việc nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…

Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế. Diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.

Mới đây, Bộ Công thương cũng cho biết từ ngày 4/1/2023, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu sầu riêng từ Philippines. Như vậy việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tới đây cũng sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 17/1, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã có những chia sẻ về việc phát triển sản xuất những sản phẩm rau củ xuất khẩu, trong đó có câu chuyện về sầu riêng.

Theo ông Đạt cho biết, dù là đơn vị liên quan nhiều đến công tác xuất khẩu sầu riêng như phối hợp cấp phép mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng… Nhưng Cục Bảo vệ thực vật lại không thể kiểm soát được diện tích trồng sầu riêng của bà con. Chính vì vậy dù thông tin xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đi Trung Quốc rất đáng mừng nhưng lãnh đạo Cục cũng rất lo lắng việc phát triển "nóng" sản phẩm này. Câu chuyện về "được mùa mất giá" vẫn là sự ám ảnh nền sản xuất khi mù mờ tín hiệu về thị trường.

Cần xác định những loại quả tiềm năng, lợi thế và biến thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhiều cơ hội rộng mở từ các thị trường nhập khẩu

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới hầu hết các thị trường đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu tới Trung Quốc giảm là do nhu cầu của thị trường giảm bởi tác động của chính sách "Zero Covid".

Chính sách "Zezo Covid" của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng rau quả của Việt Nam. Tháng cuối năm 2022, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "Zezo Covid" nên tình hình khởi sắc hơn.

Đặc biệt, chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, điều này sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu khoai lang của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao, do đó xuất khẩu mặt hàng này tới Trung Quốc tăng trưởng tốt, sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan.

Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết đơn vị này đã cấp được 5.325 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Trung Quốc... cho tất cả các sản phẩm rau quả tươi các loại, với tổng diện tích hơn 300 nghìn ha.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu tại các thị trường cũng tăng trong dịp lễ hội cuối năm nên trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới các thị trường như Hàn Quốc, thị trường Đài Loan, Hà Lan… cũng tăng trưởng tốt trong tháng 12/2022.

Cùng với đó, với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường cũng sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ và các thị trường trong khối EU có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ cung cấp tỷ trọng nhỏ, nên cơ hội mở rộng tới các thị trường này là rất lớn.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong số 13 loại trái cây đang được xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, không phải loại quả nào chúng ta cũng có ưu thế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, cần xác định những loại quả tiềm năng, lợi thế và biến thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, để đẩy mạnh sang các thị trường này các doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang ngày càng tăng tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, do đó các doanh nghiệp cần quan tâm để đáp ứng đúng xu hướng thị trường.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/xuat-khau-rau-qua-can-bam-tin-hieu-thi-truong-102230118132145028.htm