Xuất khẩu phân bón tăng trở lại

Sau khi suy giảm cả lượng và trị giá trong tháng đầu năm 2018, xuất khẩu (XK) phân bón đã lấy lại 'phong độ'. 7 tháng đầu năm, phân bón XK sang các thị trường có lượng tăng trưởng chiếm 66,6%, thị trường suy giảm chỉ chiếm 33,3%.

XK phân bón tăng ở nhiều thị trường

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), tháng 7, XK phân bón đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 77,7 nghìn tấn, tăng 18,8% về lượng và 29,7% kim ngạch. Tính chung 7 tháng đầu năm, XK mặt hàng này đạt 554,8 nghìn tấn, nâng kim ngạch lên 180,8 triệu USD; tăng 3,2% về lượng và 20,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Phân bón Bình Điền xuất khẩu sản phẩm sang Campuchia

Việt Nam hiện XK phân bón chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 67,7% tổng lượng nhóm hàng, đạt 376 nghìn tấn và 118,1 triệu USD; tăng 5,93% về lượng và 17,96% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Giá XK bình quân đạt 326 USD/tấn, tăng 16,5%.

Campuchia là thị trường XK chủ lực của phân bón Việt Nam, chiếm 41% tổng lượng nhóm hàng, đạt 227,1 nghìn tấn; kim ngạch 78,7 triệu USD, tăng 13,42% về lượng và 21,18% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Malaysia với 84,6 nghìn tấn, đạt 16,9 triệu USD, tăng 11,16% về lượng và 22,27% trị giá. Kế đến là Philippines, Lào, Hàn Quốc… Đặc biệt, Nhật Bản tăng nhập khẩu phân bón từ Việt Nam, tuy chỉ đạt trên 7 nghìn tấn (2,7 triệu USD), nhưng so với cùng kỳ đã tăng gấp 2,2 lần, tương đương tăng 120,35% về lượng và 4,23 lần về trị giá. XK phân bón sang thị trường Đài Loan cũng tăng đáng kể với 61,16% về lượng và 60% về trị giá; đạt 1,7 nghìn tấn, 513,4 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Nâng cao chất lượng

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ, XK phân bón tăng trở lại do nhiều hàng chủ lực như ure, NPK… không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn dư thừa. Vì vậy, công ty đã từng bước XK sản phẩm phân bón Đầu Trâu vào thị trường Campuchia. Từ mức tiêu thụ 2.000 tấn năm 2002, đến nay, sản lượng tiêu thụ đã tăng trên 100.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Bình Điền đặc biệt quan tâm tới chất lượng phân bón. Công ty đã tập trung các nguồn lực cùng với các nhà khoa học để chuyển giao thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao trình độ canh tác cho nhà nông Campuchia…

Đạm Phú Mỹ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh XK sản phẩm ure sang Malaysia, Myanmar, Thái Lan - những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, tính cạnh tranh về giá cũng như đa dạng trong đóng gói. Đáng chú ý, Đạm Phú Mỹ đã chinh phục các thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe về chất lượng như New Zealand, Jordan…

Để cơ cấu lại sản xuất và tập trung cho XK, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Cụ thể, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh linh hoạt; khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có. Nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới, điều chỉnh tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn trong cơ cấu sản phẩm hướng tới XK hiệu quả.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp ngành phân bón cần tập trung tính đến bài toán XK. Từ đó, ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/xuat-khau-phan-bon-tang-tro-lai-108576.html