Xuất khẩu nông sản - tín hiệu khả quan

Quý I-2021, mặc dù dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; thị trường trong nước và thế giới tiếp tục biến động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song ngành Nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,16%; trong đó, xuất khẩu nông sản đạt kết quả khả quan (10,61 tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều 'rào cản' như: Chi phí vận chuyển cao, sự cạnh tranh giữa các thị trường xuất khẩu ngày càng lớn... đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần nỗ lực vượt qua để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD trong năm 2021.

Chế biến dừa xuất khẩu tại nhà máy đóng gói Công ty Vina T&T Group, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Ảnh: PHÚC HẬU

Nhiều nhóm hàng tăng trưởng mạnh

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính riêng tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 4,12 tỷ USD, tăng 57,4% so với tháng 2-2021. Tính chung quý I-2021, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, nhiều nhóm hàng tăng mạnh, như: Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 41,6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 89 triệu USD, tăng 34,7%; rau, củ, quả đạt 944 triệu USD, tăng 6,1%...

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy thông tin: "Trái cây Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, EU…; giá xuất khẩu đã tăng đáng kể. Để duy trì bền vững thị trường, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các nhà vườn sản xuất theo quy chuẩn từ phía các đối tác lớn".

Lý giải kết quả khả quan này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn, song lương thực, thực phẩm luôn là nhu cầu thiết yếu, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia như hiện nay. Trong quý I-2021, một số mặt hàng nông sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, như: Cao su, chè, rau quả, sắn, tôm... Hiện, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 54,4% thị phần; châu Mỹ là 32,2%; châu Âu là 11,8%... Điểm đáng chú ý là chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện đáng kể, giúp giá trị xuất khẩu tăng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định: Nông sản Việt Nam đã dần chiếm lĩnh nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hơn trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu, sản xuất theo quy chuẩn quốc tế…

Tháo gỡ “rào cản”, thúc đẩy xuất khẩu

Tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam trong quý I-2021 mang đến nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên kim ngạch một số mặt hàng lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê đạt 771 triệu USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 634 triệu USD, giảm 5,8%... Sự sụt giảm nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do cước phí vận chuyển cao, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng lớn, chất lượng hàng hóa đủ tiêu chuẩn vào những thị trường “khó tính” chưa thật sự ổn định…

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, đây là những "rào cản" cần được tháo gỡ để xuất khẩu nông sản tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian còn lại của năm 2021 cũng như thời gian tiếp theo.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group (thành phố Hồ Chí Minh) Phan Minh Thông chia sẻ, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất 500-600 container cà phê, hạt tiêu sang châu Âu nhưng nay chỉ còn 120-150 container do chi phí vận chuyển cao. Hiện, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ trong việc cập nhật thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các nước ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Việt Nam, để có thể mở rộng thị trường.

Nhằm giải quyết khó khăn trong vận chuyển nông sản xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu để sử dụng hợp lý, tận dụng tối đa luân chuyển container hai chiều. Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT cập nhật tình hình giá cả, những diễn biến của thị trường để thông báo, phổ biến, hướng dẫn các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất định hướng, tổ chức, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp, kịp thời ứng phó với những tác động tiêu cực của thị trường.

Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong quý II-2021, Bộ NN&PTNT vẫn giữ chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 9,7 tỷ USD, hướng tới hoàn thành mục tiêu cả năm 2021 đạt 42 tỷ USD. Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và tham tán tại các nước, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nông sản; đồng thời phổ biến, các quy định thị trường, "rào cản" kỹ thuật - thương mại, định hướng xuất khẩu nông sản tại các thị trường trọng điểm... Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Đào Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/996743/xuat-khau-nong-san---tin-hieu-kha-quan