Xuất khẩu nông sản 'cất cánh' sau 5 năm tái cơ cấu?

Trải qua 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, XK nông, lâm, thủy sản đã ghi nhận những bước tiến đáng kể cả về mặt kim ngạch, thị trường lẫn cơ cấu sản phẩm. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, để giữ đà tăng trưởng, hướng tới XK nông, lâm, thủy sản bền vững không phải điều đơn giản.

Lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu có sự "lột xác" khá rõ ràng qua 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: S.T.

Thị trường rộng mở, cơ cấu đổi thay

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/6/2013. Sau 5 năm triển khai, đến nay XK nông, lâm, thủy sản đã đạt được những kết quả đáng kể.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Trong giai đoạn 2013-2017, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, đạt 157,49 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước; thặng dư thương mại chiếm khoảng 20-25% tổng giá trị XK. Năm 2017, tổng kim ngạch XK đạt mức 36,52 tỷ USD, tăng 4,34 tỷ USD trong 1 năm. Năm 2018, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 40 – 40,4 tỷ USD. Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Thành quả nổi bật, quan trọng của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng và cơ cấu sản phẩm XK chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế, sản phẩm đã qua chế biến. Cụ thể, đến nay, nông sản Việt đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với ngành Công Thương, Ngoại giao đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường song song với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản XK; thúc đẩy các quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại; đa dạng hóa thị trường vừa giữ ổn định các thị trường truyền thống, dễ tính, vừa mở rộng XK sang các thị trường khó tính có giá trị gia tăng cao như Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), Nhật Bản (thanh long, thịt gà)…”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Bộ NN&PTNT nhận định, cơ cấu sản phẩm XK đã được chuyển đổi hiệu quả hơn theo hướng tăng mạnh tỷ trọng các mặt hàng có lợi thế và thị trường thuận lợi cũng như các mặt hàng chế biến, chất lượng và giá trị gia tăng. Đến nay, 50% lượng thủy sản XK là sản phẩm chế biến; 80% gạo XK là gạo chất lượng cao. Nhờ vậy, giá gạo Việt Nam XK đã ngang bằng (có thời điểm vượt) giá gạo XK cùng loại của Thái Lan.

Tăng năng lực hội nhập quốc tế

Đứng từ góc độ DN chuyên sản xuất, kinh doanh, XK gạo, ghi nhận hiệu quả của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng: Ngành gạo đã có những bước chuyển về chất khi có sản phẩm gạo chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường gạo thế giới. “Riêng đối với DN Trung An, năm 2016, XK gạo mới đạt 26 triệu USD, đến năm 2017, XK gạo đã tăng lên 53 triệu USD. 10 tháng năm 2018, con số này đạt hơn 50 triệu USD và vẫn tiếp tục tăng”, ông Bình nói. Tuy vậy, ông Bình cũng chỉ ra, mặt hàng gạo nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung hiện vẫn chủ yếu đang gia công và bán cho các tập đoàn lớn ở nước ngoài, giá trị thu về không đúng với giá trị thật.

Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng thừa nhận: Hiện nay, năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản Việt dù được cải thiện song vẫn còn thấp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của nông nghiệp Việt Nam đã rất lớn mạnh trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường. Ngoài ra, công tác dự báo cung, cầu yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân…

Đáng chú ý, báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ: Mặc dù thị trường XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam rộng và đa dạng, nhưng mức độ tập trung vào một số thị trường chính khá cao. Xu hướng đa dạng hóa thị trường XK còn chậm nên tiềm ẩn rủi ro cao về rào cản thương mại và thiếu chủ động khi có sự thay đổi của các thị trường đó. Cụ thể như: Kim ngạch XK rau quả tươi vào Trung quốc chiếm 75,6% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam; XK đồ gỗ vào Hoa Kỳ chiếm 40,7%; XK thủy sản vào Mỹ chiếm 17,6% và vào EU chiếm 17,4%. Ngoài ra, an toàn vệ sinh thực phẩm của nông, lâm, thủy sản Việt Nam cũng đang là một thách thức lớn (hệ thống cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm ở EU đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có nhiều cảnh báo)…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển DN nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đem lại, tuyên truyền phổ biến để các địa phương, DN và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ DN về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung cầu nông sản...

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-nong-san-cat-canh-sau-5-nam-tai-co-cau.aspx