Xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể cán mốc 40 tỉ USD

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), với những dự báo khả quan về XK một số mặt hàng chủ lực trong tháng nước rút 12/2018, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản cả năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt được mốc 40 tỉ USD theo chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: 11 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 36,3 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 18,1 tỉ USD (tăng 3,1%); giá trị XK thủy sản ước đạt 8,1 tỉ USD (tăng 6,8%); giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 8,6 tỉ USD (tăng 18%).

Ông Nguyễn Quốc Toản

Trong 11 tháng đầu năm 2018, 4 thị trường XK lớn nhất các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 30%), tăng 3,6%; Mỹ (chiếm gần 18%), tăng 9,4%; Nhật Bản (9,1%), tăng 7,1% và Hàn Quốc (gần 7%), tăng 29,4%.

Ở chiều ngược lại, giá trị NK nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2018 đạt 28,8 tỉ USD (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017). Như vậy trong 11 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đạt mức xuất siêu là 7,5 tỉ USD...

Theo ông Toản, với đà nước rút được dự báo là có nhiều thuận lợi của nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực trong tháng 12/2018 như thủy sản, đồ gỗ, rau quả..., tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản cả năm 2018 khả quan sẽ đạt được 40 tỉ USD như chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Trong các mặt hàng nông sản XK 11 tháng đầu năm, có thể nói gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng rất ấn tượng về kim ngạch với mức tăng lên tới 17,7%. Đâu là những yếu tố giúp cho XK lúa gạo năm 2018 này gặt hái được thành công như vậy, thưa ông?

11 tháng đầu năm 2018, khối lượng gạo XK của chúng ta ước đạt 5,7 triệu tấn và đạt kim ngạch XK 2,9 tỉ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, XK gạo lấy lại được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao.

Nhờ chất lượng gạo nâng cao và giá cạnh tranh, chúng ta đã có mức tăng trưởng XK gạo rất cao ở nhiều thị trường lớn

Tôi cho rằng, đây là kết quả rất đáng mừng có tính tất yếu mà chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo của nước ta những năm qua đã thu được. Trong đó, định hướng xây dựng nguồn gạo XK chất lượng cao, nâng tổng tỉ trọng gạo thơm XK lên chiếm 80% trong tổng khối lượng gạo XK đã bắt đầu thu được những thành quả bước đầu. 11 tháng đầu năm 2018, cơ cấu gạo XK tiếp tục được cải thiện theo hướng giá trị cao khi tỉ trọng gạo trắng XK đã chiếm 51% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5%. Nhờ đó, giá gạo XK bình quân 11 tháng đầu năm của Việt Nam ở mức 504 USD/tấn. Đây là mức giá gạo thậm chí còn cao hơn cả giá gạo Thái Lan vốn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.

Về cơ cấu XK, 11 tháng đầu năm, dù giảm sút, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với 24,1% thị phần. Thị phần xuất khẩu gạo Jasmine và gạo thơm của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc (25%); tiếp sau đó là Ghana (23%) và Bờ Biển Ngà (14%). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường NK lớn nhất gạo nếp Việt Nam, chiếm tới 82% tổng kim ngạch XK gạo nếp của Việt Nam, trị giá 272 triệu USD. Về gạo Japonica và gạo giống Nhật, hai thị trường xuất khẩu chủ yếu là Papua New Guinea (57%) và Trung Quốc (13%).

Nhờ chất lượng gạo nâng cao và giá cạnh tranh, chúng ta đã có mức tăng trưởng XK gạo rất cao ở nhiều thị trường lớn cũng như liên tiếp trúng được các gói thầu XK gạo lớn của các nước. Các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 65,8 lần), Irắc (gấp 2,6 lần), Hồng Kông (tăng 71,1%), Philippin (tăng 58,5%) và Malaysia (tăng 17,2%). Cuối tháng 11/2018, Việt Nam cũng đã giành được hợp đồng XK gạo của Philippines với khối lượng 123 nghìn tấn...

Ngày 15/8/2018, việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo có thể nói cũng là cú hích quan trọng về mặt thể chế nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn cho các DN trong ngành XK gạo, kể cả với các DN tư nhân. Điều này cũng đã phần nào thổi luồng gió mới để XK gạo có những chuyển biến hết sức rõ nét.

XK gạo dự báo sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi trong thời gian tới. Ảnh: HG

Thủy sản dù vẫn tăng trưởng kim ngạch XK 11 tháng đầu năm 2018 với mức 6,8%, song XK tôm lại có vẻ khó khăn khi giảm về kim ngạch XK. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành hàng XK chủ lực như hạt điều, cà phê, nhất là hồ tiêu... cũng không ổn định. Ông dự báo thế nào về diễn biến của một số nhóm ngành hàng XK trong thời gian tới, nhất là từ nay đến hết năm 2018?

Về thủy sản, XK tôm đến hết tháng 11/2018 đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng chiếm 69% đạt 2,2 tỷ USD, giảm gần 3%, XK tôm sú chiếm 23% với 745 triệu USD, giảm gần 8%.

Mặc dù vậy, nhiều mặt hàng thủy sản khác, nhất là cá tra lại rất khởi sắc với tổng kim ngạch 11 tháng đạt gần 2 tỉ USD.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu tại phía Nam đã hạ nhiệt sau nhiều tháng tăng ở mức đỉnh điểm do nguồn cung được cải thiện và nhu cầu nguyên liệu cũng đã chững lạ bởi các NM đã gom đủ hàng cho kỳ Giáng sinh. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm vẫn sẽ ở mức có lợi. Dự báo, XK cá tra sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

11 tháng đầu năm, XK cà phê lũy kế đạt 3,3 tỉ USD, tăng 3,2% về giá trị và 23,4% về khối lượng. Dự báo cả năm 2018, XK cà phê có thể đạt 3,5 tỉ USD, tăng 15% về khối lượng nhưng giá trị XK chỉ tương đương năm 2017.

Rau quả cũng là mặt hàng tiếp tục giữ được mức tăng trưởng với mức tăng 11,65% trong 11 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,5 tỉ USD. Dự báo hết năm 2018, tổng kim ngạch XK rau quả đạt 3,8 tỉ USD.

Đối với tôm, dự báo giá thu mua nguyên liệu từ đây tới cuối năm sẽ không biến động mạnh do các DN đã gom đủ nguyên liệu cho tháng 12/2018.

Mặc dù XK tôm thời gian qua giảm nhưng dự báo từ nay đến cuối năm và tới quý I/2019, XK tôm dự báo sẽ có nhiều cơ hội lạc quan do nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước XK tôm lớn như Thái Lan và Ấn Độ bị tụt mạnh.

Tuy nhiên, XK thủy sản nói chung, đặc biệt là XK tôm thời gian tới vẫn sẽ phải lường trước những tác động rủi ro đối với nhiều vấn đề như “Thẻ vàng EU”, việc thay đổi chính sách thương mại của Mỹ cũng như ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Về lúa gạo, cùng với việc trúng các gói thầu gạo XK, thị trường gạo trong những tháng cuối năm đang có tín hiệu rất tốt từ Indonesia và Philippines. Với đà này, gạo có thể vượt mục tiêu XK đề ra trong cả năm 2018 với kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn và kim ngạch đạt 3,15 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Với mặt hàng hạt điều, 11 tháng đầu năm, kim ngạch XK chỉ đạt 3,1 tỉ, giảm 3,1%. Dự báo, Tanzania, một nước Châu Phi SX nhiều hạt điều sẽ có kế hoạch thu mua toàn bộ điều thô trong nước, khiến nguồn cung điều trên thị trường bị thâm hụt.

Hiện nhiều nước Châu Phi khác cũng đã lên kế hoạch đầu tư mạnh vào chế biến sâu hạt điều. Vì vậy trong bối cảnh ngành điều Việt Nam đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK, khuyến cáo các DN cần sớm có kế hoạch chủ động dự trữ nguyên liệu phục vụ cho chế biến trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

LÊ BỀN - HƯNG GIANG (THỰC HIỆN)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-co-the-can-moc-40-ti-usd-post232350.html