Xuất khẩu lao động ra nước ngoài vẫn chưa đạt hiệu quả cao

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng người Việt Nam sang nước ngoài lao động đang giảm cùng với chất lượng lao động chưa được cải thiện, dẫn đến hiệu quả xuất khẩu lao động của Việt Nam sang nước ngoài chưa đạt hiệu quả cao.

Tại hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp” sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: "Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã gia tăng đáng kể".

"Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani".

"Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani".

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH cũng thông tin: "Dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn tới đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia. Vì vậy cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân".

Hạn chế về tay nghề, ngoại ngữ

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến của gần 300 đại biểu, nhất là ý kiến phát biểu, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá về thực trạng xuất khẩu lao động của Việt Nam, những điểm yếu của lao động Việt Nam như ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề.

Các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề như tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc hiện hữu ở nhiều nơi. Ngoài ra, công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người lao động với thân nhân ở trong nước, mối quan hệ giữa doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước ngoài chưa rõ ràng.

Từ thực trạng của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo hộ cũng như quy định đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tăng cường công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: "Lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên hàng năm, dù trong 3 năm gần đây 2019-2021 có giảm do dịch bệnh và các yếu tố khác nhưng nhìn chung giai đoạn 10 năm từ năm 2012 đến nay so với giai đoạn trước (1998-2012) tăng cả về số lượng và nâng lên về chất lượng".

"Mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp một phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước".

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo, đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất

Thảo Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xuat-khau-lao-dong-ra-nuoc-ngoai-van-chua-dat-hieu-qua-cao-post10055.html