Xuất khẩu lao động 'chui', sức hút tiền tươi hay đánh đổi tính mạng?

Tại Lào Cai, lao động đi nước ngoài bằng con đường 'không chính ngạch' diễn ra bất thường. Điều này trước mắt giải quyết được việc làm nhưng không tránh được nhiều hệ lụy. Sức hút từ 'tiền tươi' rất hấp dẫn nhưng lại phải trả giá bằng cả tính mạng.

Lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động là xu thế tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tại Lào Cai, xu thế này diễn ra bất thường, khi phần lớn lao động đi nước ngoài bằng con đường “không chính ngạch”, điều này trước mắt giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, nhưng những hệ lụy, rủi ro luôn rình rập.

Sức hút “tiền tươi”

Tìm đến những hộ có người thường xuyên rời địa phương đi ra nước ngoài làm ăn, chúng tôi gặp vợ chồng anh Sùng Seo Sáng và chị Chấu Thị Mể, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) vừa trở về từ Trung Quốc sau 8 tháng xa nhà.

Chị Mể cho biết: "Vợ chồng tôi đi làm được 3 năm rồi. Tôi thấy hầu hết người Việt mình sang Trung Quốc làm những công việc đơn giản như phát nương, đào hố trồng cây, chăm sóc chuối, phun thuốc trừ cỏ, gùi hàng, lấy mủ cao su, làm gỗ ép, làm phụ hồ… những công việc không đòi hỏi cao về tay nghề và kỹ thuật. Thậm chí phần lớn công việc người lao động đã làm quen tại nhà, nên khi đi sang đó không cần phải học việc mà có thể bắt tay làm ngay".

Nhờ đi làm thuê, nhiều hộ ở xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) xây dựng nhà ở khang trang.

Nhờ đi làm thuê, nhiều hộ ở xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) xây dựng nhà ở khang trang.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 mới xây kiên cố, anh Sùng Seo Sáng và chị Chấu Thị Mể thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) không giấu niềm vui mừng khoe với chúng tôi: “Chỉ 3 năm sang Trung Quốc làm thuê, vợ chồng tôi đã có tiền xây được ngôi nhà này. Nếu ở quê trồng ngô, làm ruộng thì hết đời chúng tôi cũng không xây được nhà”.

Anh Sáng không ngại ngần tiết lộ thêm, người lao động ở xã Hoàng Thu Phố thích sang bên kia biên giới làm thuê vì chủ sử dụng lao động trả lương theo ngày, làm ngày nào trả ngày đó. Nếu người lao động không giữ được tiền có thể nhờ chủ giữ hộ, đến khi nào về thì lấy một lần. Tiền công lao động thì tùy theo từng công việc, nhưng tính sang tiền Việt Nam thì trung bình từ 350 đến 700 nghìn đồng/người/ngày (không nuôi cơm).

Tìm hiểu đến đây chúng tôi mới vỡ lẽ, sức hút “tiền tươi” là lý do chính hấp dẫn người lao động đi làm thuê bên kia biên giới.

Đơn cử tại xã nghèo Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), trong 3 năm trở lại đây, vì người dân ra nước ngoài làm việc mà nay trên địa bàn xã đã có gần 100 ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, giúp cho nhiều hộ không còn phải sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát.

Ông Giàng Seo Vênh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: “Hơn 90% trong tổng số nhà xây kiên cố trên địa bàn xã là của những người thường xuyên rời địa phương đi làm thuê. Mỗi năm, xã Hoàng Thu Phố có từ 300 đến 350 lao động rời địa phương đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Thông thường, họ đi từ đầu năm đến cuối năm mới về nhà một lần. Có một số trường hợp đi vài năm chưa về, nhưng vẫn thường xuyên gửi tiền về cho người thân. Hầu hết người lao động của xã đi làm thuê bên nước bạn Trung Quốc qua đường tiểu ngạch”.

Được biết huyện Bắc Hà có 2.461 lao động ở nông thôn đã rời địa phương đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Hầu hết trong số đó sang Trung Quốc làm các công việc phổ thông.

Theo ông Trần Văn Kim, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà: “Tình trạng lao động rời địa phương ra nước ngoài làm thuê có mặt tích cực là giải quyết công việc lúc nông nhàn và đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Ước tính, tổng số tiền người lao động ra nước ngoài làm thuê đem về trong năm 2017 là trên 300 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 150 tỷ đồng, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 7% đến 9%/năm. Khi có tiền, người dân xây nhà, đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm trở nên khang trang, sạch, đẹp hơn…”.

Ở huyện Si Ma Cai, trong 3 năm trở lại đây, số lao động nơi này đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tùy từng thời điểm, số người ra ngoài làm ăn dao động từ 1.400 đến 2.600 người.

Nhiều gia đình ở xã Sán Chải (Si Ma Cai) chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.

Trong những năm qua, ước tính có hàng nghìn lượt lao động ở khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh “mạnh dạn” tạm biệt gia đình, người thân để ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai đi cũng suôn sẻ, đặc biệt là những lao động nông thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu kỹ năng tự bảo vệ và hiểu biết pháp luật.

Và sự trả giá bằng tính mạng

Do vậy, đã có rất nhiều người “hồn nhiên” sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm mà không hề làm các thủ tục xuất - nhập cảnh. Khi bị lực lượng chức năng nước bạn bắt giữ, phải nộp phạt, rồi được trao trả về nước theo đường ngoại giao thì họ chỉ biết than trời “đi chuyến này đen quá”.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, Công an Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả tỉnh Lào Cai 452 lao động và lực lượng biên phòng tỉnh xử lý 17 lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động tỉnh Lào Cai và một số tỉnh lân cận sang Trung Quốc làm thuê nhưng không làm thủ tục xuất - nhập cảnh theo pháp luật hiện hành của 2 nước.

Đáng nói hơn, có nhiều trường hợp lao động sang Trung Quốc làm thuê vì không làm thủ tục pháp lý, nên khi bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền công hoặc bị cướp giật, đánh đập, ngược đãi thì họ chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong tủi cực. Họ không dám khai báo với chính quyền sở tại vì sợ bị bắt, bị giam giữ, bị phạt tiền, bị trả về theo đường ngoại giao.

Trường hợp ông Vàng Seo Thề, thôn Sán Khố Sủ, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) là một minh chứng. Ông Thề kể: "Năm 2016, tôi đi qua đường tiểu ngạch Hóa Chư Phùng (huyện Si Ma Cai) sang bên kia biên giới. Tôi ngồi xe ô tô 2 ngày 2 đêm vào sâu nội địa của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) làm công việc gùi hàng. Làm từ tháng 1 đến tháng 7, tiền công của tôi tính được hơn 130 triệu đồng, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn lấy tiền công để về thì chủ không trả.

Họ chỉ cho tôi đủ tiền đi đường về nhà và nói rằng nếu tôi không về họ báo Công an Trung Quốc bắt đi tù vì tội sang lao động bất hợp pháp. Không còn cách nào khác, tôi uất ức đi về.

Người dân chúng tôi ra ngoài làm thuê nếu may mắn gặp được chủ tốt thì còn được đối đãi tử tế, được trả lương đầy đủ. Không may gặp phải chủ không tốt, bị giữ chứng minh thư, lao động kiệt lực từ sớm đến khuya, không những thế có người còn bị đánh, mắng và quỵt tiền công, đành tay trắng ra về”.

Xót xa hơn là đã có những người “bỏ mạng” khi sang Trung Quốc làm thuê mà nguyên nhân chỉ có thông tin chung chung là “gặp nạn” hoặc “tai nạn”. Ông Giàng Seo Vênh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) cho biết: Cuối tháng 12/2017, xã có anh Sùng Seo Sánh, thôn Tả Thồ 2 sang Trung Quốc làm thuê được 1 tuần thì có tin báo về là “gặp nạn” chết bên đó. Do anh Sánh không làm thủ tục xuất - nhập cảnh, nên địa phương và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa thi thể về mai táng. Cuối cùng là phải hỏa táng ở bên đó rồi mới mang về được.

Tìm hiểu thêm chúng tôi biết, trước đó ở thôn Sán Khố Sủ, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) cũng có trường hợp anh Vàng Dìn Pao (sinh năm 1982), sang Trung Quốc làm thuê và “gặp nạn” vào tháng 7/2016, để lại bố mẹ già, vợ trẻ và hai con nhỏ. Người đưa hài cốt anh Pao về nước không ai khác chính là ông Vàng Seo Thề (người cùng thôn mà chúng tôi đề cập ở trên).

Nguồn: Báo LCO

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xuat-khau-lao-dong-chui-suc-hut-tien-tuoi-hay-danh-doi-tinh-mang-post277512.info