Xuất khẩu lao động cần chiến lược mới

Dữ liệu cho thấy dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già năm 2036. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp

Ngày 16-8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp".

Gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, thời gian qua, công tác đưa người lao động (NLĐ) và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.

Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Úc, New Zealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania. Số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt con số 100.000 người/năm. Giai đoạn 2013 - 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình.

Lao động được đào tạo tại Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco trước khi xuất cảnh. Ảnh: GIANG NAM

Lao động được đào tạo tại Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco trước khi xuất cảnh. Ảnh: GIANG NAM

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, ngoài việc nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, NLĐ còn được nâng cao tay nghề, tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.Các dữ liệu cho thấy dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "dân số già" năm 2036 với gần 15,46 triệu người cao tuổi (14,17% tổng dân số). Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp, mà ngày càng chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước.

TS Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh NLĐ đi làm việc ở nước ngoài làm thay đổi bộ mặt kinh tế lẫn đời sống nhiều gia đình, song cũng còn nhiều tồn tại: lao động đi làm việc không hợp pháp, hết hợp đồng trốn ở lại tìm kiếm thu nhập cao hơn - điều này đáng báo động bởi làm mất uy tín lao động Việt Nam lẫn gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Ông Trào đề nghị cần tăng tỉ lệ lao động chất lượng cao, như có kỹ năng tốt, thậm chí đón lõng sinh viên đại học, cao đẳng tham gia. Cùng với đó, chi phí đi làm việc cần tìm mọi cách giảm xuống.

Hạn chế rủi ro

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, di cư lao động là vấn đề phức tạp, đặc biệt ở châu Á. Việc lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng cho lao động, song lao động Việt Nam, nhất là phụ nữ, có nguy cơ bị tổn thương cũng như phải chịu một số hình thức vi phạm về lao động. Những yếu tố đó ảnh hưởng đến việc làm bền vững của lao động Việt Nam.

Đại diện ILO tại Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra rằng lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu có tay nghề thấp, làm việc giản đơn. Kinh nghiệm của ILO cho thấy lao động tay nghề thấp, nhất là nữ làm giúp việc gia đình, nông nghiệp… càng dễ gặp rủi ro. Dù mong muốn nâng cao tỉ lệ lao động tay nghề cao, song đại diện ILO thừa nhận tỉ lệ lao động có chuyên môn, kỹ năng thấp sẽ vẫn cần và ưu tiên hàng đầu, vì vậy thời gian tới vẫn là bảo vệ nhóm lao động này.

TS Nguyễn Đình Quốc Cường - ĐHQG TP HCM - cho rằng nhiều gia đình Việt Nam thoát nghèo nhờ đưa con em đi làm việc ở nước ngoài. Song còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Trong đó, tình trạng lừa đảo của công ty môi giới làm mất hình ảnh, uy tín của lao động Việt Nam. Do vậy, cần có cơ sở dữ liệu để quản lý lao động ngoài nước.

"Cần yêu cầu tất cả công ty, nghiệp đoàn xây dựng thông tin, hệ thống quản lý khi đưa lao động đi và kết nối, liên thông với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, lao động khi đi làm việc cần có mã định danh, thể hiện những thay đổi trong quá trình làm việc và cập nhật vào hệ thống" - ông Cường đề xuất.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết tiếp xúc nhiều với lao động trở về, cũng như qua nghiên cứu mô hình tập hợp lao động có hợp đồng ở nước ngoài có những khó khăn mà lao động mong mỏi. Một là, khó tránh rủi ro, vướng mắc và khi gặp rủi ro không biết nhờ cậy ai với chi phí thấp; đa số họ là lao động nghèo, chủ yếu tìm đến các hội đồng hương để được giúp đỡ. Hai là, NLĐ khó hòa nhập, bị phân biệt đối xử trong giao tiếp, làm việc ở nước ngoài 3 - 4 năm nhưng vẫn bị kỳ thị. Do đó cần có những phối hợp giữa Công đoàn Việt Nam với Công đoàn nước sở tại nhằm có đầu mối để khi lao động gọi đến là được hỗ trợ ngay.

Hạn chế lao động ở lại, bỏ trốn

Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng các cấp ủy Đảng trong thời gian qua đã tăng cường sự lãnh đạo, việc đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục như: tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc; lao động bị lôi kéo, lợi dụng, lừa gạt. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại hội thảo này để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất" - ông An cho hay.

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xuat-khau-lao-dong-can-chien-luoc-moi-20220816211431863.htm