Xuất khẩu lao đao, cá tra quay đầu về sân nhà

Đại dịch Covid-19 hoành hành cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ nhiều quốc gia thúc đẩy sản xuất cá tra khiến XK ca tra Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân đang là giải pháp khả quan hỗ trợ ngành này vượt khó.

Nếu đẩy mạnh tiêu thụ trong nước được 20-30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững. Ảnh: N.Thanh

Nếu đẩy mạnh tiêu thụ trong nước được 20-30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững. Ảnh: N.Thanh

Trị giá xuất khẩu giảm gần 30%

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, XK thủy sản chỉ đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), riêng mặt hàng cá tra, XK trong tháng 6/2020 giảm tới gần 35%. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, XK cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo đó, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 7/2020 giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, còn 17.500-17.800 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (trọng lượng 700-900 gram/con); thấp hơn giá thành sản xuất từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà phải xem đây là thị trường trọng điểm. Các DN cần đặc biệt chú trọng đến thị hiếu người tiêu dùng, cần kiên trì vận động tuyên truyền người dân biết đến sản phẩm cá tra đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng. Nếu đẩy mạnh tiêu thụ trong nước được 20-30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, nhu cầu bắt cá nguyên liệu ngoài của các công ty hiện vẫn yếu. Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình XK ảm đạm với lượng đặt hàng mới không nhiều, lượng tồn kho cao cùng với giá XK thấp. Trong khi tiến độ thả nuôi cá thịt chững lại, các hộ nuôi cá thịt tạm thời "treo ao" chờ tín hiệu mới từ thị trường rồi mới cân nhắc việc bắt giống thả lại.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá nguyên liệu luôn ở mức thấp khiến tình trạng thả nuôi giảm.

Nguyên nhân khiến cá tra lao dốc là đầu ra gặp khó bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời đó là bởi sự cạnh tranh từ các quốc gia khác gần đây cũng tăng cường nuôi cá tra. Đáng chú ý, Trung Quốc hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra, năng lực sản xuất khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến cá tra để phục vụ tiêu thụ nội địa. Do đó, thị trường này giảm NK cá tra của Việt Nam.

Thúc đẩy tiêu thụ nội địa

Trong bối cảnh XK thủy sản nói chung, mặt hàng cá tra nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa là hướng đi được thúc đẩy. Cá tra không chỉ là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đạt chuẩn tương đương Mỹ. Điều này cho thấy, cá tra là mặt hàng được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của thị trường thế giới.

Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng, các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường XK. “Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để XK cá tra vào các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN…, tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, phát triển thị trường tiềm năng như Nga, Brazil…", lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, câu chuyện chuyển hướng thành công của Tập đoàn Nam Việt là một ví dụ điển hình. Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Nam Việt có tổng diện tích nuôi cá tra là 1.100 ha, cung ứng ra thị trường 200.000 tấn cá thịt/năm. Trong quý 2, doanh thu từ thị trường XK của DN này chỉ đạt trên 399 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, kéo lợi nhuận quý 2 của Tập đoàn giảm 79% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, nhờ tập trung vào thị trường nội địa, DN đạt doanh thu thuần trong nước 485 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2019 và lần đầu tiên doanh số bán hàng trong nước đã vượt qua XK. Hiện tại, Tập đoàn Nam Việt đã liên kết với 5 nhà phân phối sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc. Mỗi tháng, Tập đoàn cung ứng cho các đơn vị này từ 15 - 30 container, mỗi container là 25 tấn.

Xuất khẩu cá tra sang Singapore tăng hơn 38%

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 2/2020, giá trị XK sang hầu hết các thị trường ASEAN và EU đều giảm sút. Riêng XK cá tra sang Singapore tăng 38,5% so với quý I, đạt gần 13 triệu USD. Tính tới giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Singapore đạt gần 21 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam XK các sản phẩm cá tra nổi bật sang thị trường Singapore như: cá tra phi lê đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra phi lê cắt cube đông lạnh, phi lê cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra fillet tẩm bột tempura, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên chín đông lạnh…

Q.B

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-lao-dao-ca-tra-quay-dau-ve-san-nha-132207.html