Xuất khẩu không dễ về đích sớm

Tiếp nối năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu (XK) được ngợi khen là đạt thành tích ấn tượng. Nhiều chuyên gia hy vọng XK năm nay sẽ về đích sớm, tuy nhiên có một thực tế là XK của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào 'sức khỏe' của khối FDI.

Bức tranh xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ảnh: PV

Bức tranh xuất khẩu chưa thực sự sáng

Tốc độ tăng XK chậm dần đều, từ tháng 1 đến tháng 6, lần lượt là 40,4% - 25,4% - 24,4% - 19,1% - 17,3% và 16%, bởi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) kỳ này tăng chậm dần và rơi vào hai mặt hàng chính là điện thoại và máy vi tính. Nhưng trong tình thế đó, khối FDI xuất siêu tới 15,7 tỉ USD, nên dù khối doanh nghiệp trong nước (DNTN) 6 tháng qua có mức tăng cao, song vẫn nhập siêu tới 13 tỉ USD. Từ đó, chứng tỏ “thân nhiệt” XK của cả nước vẫn phụ thuộc vào “sức khỏe” của khối FDI.

Việc XK hàng nông nghiệp 6 tháng qua được coi là điểm sáng, nhưng lại có không ít điểm tối. Trong 6 tháng, XK rau quả được 2 tỉ USD với điểm đáng chú ý là xuất khẩu vải chính vụ nhưng lại khuân về 757 triệu USD rau quả, trong đó riêng rau quả Thái trong 4 tháng đầu năm đã tới 200 triệu USD. Việc rau Trung Quốc tràn về Đà Lạt - vùng rau lớn nhất nước, là điều bất thường khó hiểu. Giá cả nhiều nông phẩm XK giảm sút, điển hình là hạt tiêu.

Giá tiêu của Việt Nam có thể xem là rẻ nhất thế giới dù chiếm đến 60% (năm 2017) lượng giao dịch toàn cầu. Tại hội chợ ThaiFex 2018 (Thái Lan), tiêu đen Kampot của Campuchia có giá 15 USD/kg, của Việt Nam chỉ 5,04 USD/kg, bằng 1/3. “Vững vàng” là cường quốc XK cà phê thô - tỉ trọng tới 90% lượng XK. Phơi phóng vẫn bằng sân phơi “truyền thống” của mỗi gia đình, rồi mỗi gia đình lại bán theo cảm quan về độ ẩm, hạt vỡ…, số hộ bán theo có kiểm định tiêu chuẩn chỉ đạt 1%. Hệ quả là chủ yếu chỉ xuất sang Trung Quốc - từng có quá nhiều bài học với thị trường này.

Đành rằng các thị trường có FTA, XK của Việt Nam có tăng nhưng đổi lại nhập khẩu (NK) từ các thị trường đó tăng nhanh hơn, dẫn tới nhập siêu phức tạp hơn. Nhập siêu từ Hàn Quốc từ khi có AKFTA đã vượt Trung Quốc hiện vẫn vững ngôi đầu các thị trường mà Việt Nam nhập siêu. Nhập siêu từ Thái Lan lớn nhất từ sau khi có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đứng đầu các nước trong ASEAN, “chịu” xếp thứ 3 sau Hàn Quốc, Trung Quốc trong số các đối tác mà Việt Nam nhập siêu.

Thách thức từ bên ngoài

Các thị trường XK lớn đang cụ thể hóa chủ trương tái lập chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bằng dựng hàng rào mà Việt Nam không dễ gì vượt qua. Ngoài việc áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc, Trung Quốc thay đổi cơ quan quản lý về đánh giá mở cửa thị trường hàng nông nghiệp, khiến việc đàm phán XK trái cây, thịt các loại, sữa và sản phẩm từ sữa, thủy sản của Việt Nam vào thị trường này có thể kéo dài… Bài học cũ chưa “tiêu hóa” hết, nay lại hứng chiêu trò mới, càng thêm rối rắm.

Mỹ áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn và áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn, tôm, vào thị trường này cộng với Ủy ban Châu Âu (EC) lùi tới tháng 1.2019 mới xem xét lại. Lệnh này ban ra từ tháng 10.2017 hạn đến 4.2018, song đến hẹn lại… gia hạn.

Saudi Arabia tạm dừng NK thủy sản từ Việt Nam. Úc chỉ cho NK tôm và sản phẩm từ tôm khi được đánh giá là đảm bảo an toàn sinh học. Hàn Quốc kiểm dịch 100% lô hàng thủy sản XK vào thị trường này từ 1.4.2018. Hàn Quốc mở lòng NK trái cây tươi của Việt Nam, song họ chỉ chấp nhận sản phẩm bảo quản bằng xử lý nhiệt, không chiếu xạ như một số thị trường khác. Chiếu xạ khiến quả vải, quả xoài giá bị cõng thêm nhiều chi phí, vất vả công lênh, mất hết lời lãi.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, “ruồi muỗi” vạ lây

Con tôm là mặt hàng chủ đạo của thủy sản trong nhiều năm qua và ít nhất cũng trong 10 năm tới. Dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để chiều khách, vậy mà vẫn gặp khó về “lây nhiễm kháng sinh” và “tạp chất “.

Theo khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam (VASI), tỉ lệ NK thiết bị, linh kiện CNHT tại Việt Nam luôn cao bởi trong số 300 DN CNHT phục vụ cho sản xuất ôtô, thì có đến 90% là các DN FDI. Vải cho may mặc vẫn phải NK tới 80%. Nguồn sợi cũng là vấn đề Việt Nam còn đau đầu.

Do 6 tháng đầu năm CPI bình quân tăng 3,29%, đã hạ quyết tâm ghim giữ cả năm không quá 4%. Nhưng từ nay đến cuối năm còn phải lường trước thiên tai, dịch bệnh mà mở màn là trận lũ ở Tây Bắc vừa dứt thì mưa lớn lan khắp miền Bắc, tiến vào miền Trung.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/xuat-khau-khong-de-ve-dich-som-620450.ldo