Xuất khẩu 'hụt hơi' khi loạt khó khăn bủa vây

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa có tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Dự báo, từ nay tới hết năm, tình hình vẫn khá ảm đạm khi xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đối diện nhiều khó khăn chất chồng.

Những biến động trong quan hệ thương mại giữa các cường quốc tác động trực tiếp tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: N.Linh

Những biến động trong quan hệ thương mại giữa các cường quốc tác động trực tiếp tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: N.Linh

Điểm sáng của doanh nghiệp nội

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương: Tính tới hết tháng 8, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng này khá thấp so với con số 19,9% và 16,7% của cùng kỳ năm 2017, 2018.

Điểm đáng chú ý trong "bức tranh" xuất khẩu 8 tháng đầu năm là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).

"Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm", Bộ Công Thương nhận định.

Xét ở góc độ cơ cấu hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương thông tin thêm: 8 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về cán cân xuất nhập khẩu, tính chung 8 tháng Việt Nam ước xuất siêu 3,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,85 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.

Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ...

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định: Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

Nhiều yếu tố "cản chân"

Bộ Công Thương đánh giá, thời gian tới, còn rất nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu.

Đứng đầu danh sách chính là diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.

Yếu tố khiến Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại không hề nhỏ tiếp theo là động thái giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp chưa từng có trong ngày 27/8 của Trung Quốc (7,0810 NDT đổi 1 USD).

Đồng NDT yếu hơn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra, thời gian tới, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước.

Đó là bởi, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): "Hiện nay, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu".

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu ở các thị trường và các ngành hàng.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ dính vào những tranh chấp thương mại, từ đó có những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan như để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao...

Trong 8 tháng đầu năm, có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%). Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-hut-hoi-khi-loat-kho-khan-bua-vay-111231.html