Xuất khẩu gỗ: Vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm

Sản phẩm gỗ là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đầu ra hiện vẫn rất khó khăn dù Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh. Các thị trường xuất khẩu gỗ chính là Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giảm mạnh.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 636,6 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là trong tháng 4, 5-2020.

* Ngành gỗ chậm phục hồi

Nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 2-2020, song mặt hàng gỗ lại chịu tác động chậm hơn khoảng 1 tháng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực chế biến gỗ đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ trước. Bắt đầu từ tháng 4-2020, ngành gỗ mới bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu lớn hạn chế mua sản phẩm, dẫn đến nhiều đơn hàng buộc phải kéo dài hoặc tạm ngưng. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Đồng Nai đang chiếm hơn 10% cả nước. Tỉnh là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gỗ. Do đó, nếu các DN gỗ Đồng Nai giảm xuất khẩu, khả năng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Tuy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm của Đồng Nai giảm, nhưng đây lại là mặt hàng có xuất siêu lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, các DN sản xuất gỗ Đồng Nai đã xuất siêu hơn 537 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai bị giảm mạnh, nhất là trong tháng 5-2020, chỉ đạt hơn 99 triệu USD, sang tháng 6, thị trường “sáng sủa” hơn, kim ngạch tăng lên 110,5 triệu USD. Tuy nhiên, theo các DN thì ngành gỗ vẫn đang trong giai đoạn “cầm cự”, chưa thoát khỏi khó khăn về đầu ra, vì các thị trường lớn vẫn đang chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.

Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bùi Chấn Hưng (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sản phẩm gỗ của công ty chủ yếu xuất khẩu sang 3 thị trường là Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Trước đây, khi chưa xảy ra dịch bệnh, đơn hàng dồi dào, đôi khi phải từ chối bớt, song khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành đại dịch trên thế giới thì đầu ra của sản phẩm rất hạn chế. Hiện xuất khẩu có khơi thông nhưng chưa trở lại bình thường nên hàng làm ra vẫn phải tạm lưu kho chờ xuất”. Cũng theo ông Hội, DN hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do vốn vay, vốn sẵn có đều đã đổ vào sản xuất sản phẩm. Vì thế, hàng chưa xuất khẩu được khiến hầu hết DN vấp phải tình trạng thiếu vốn để duy trì sản xuất.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, thời điểm này, DN xuất khẩu gỗ cũng như nhiều ngành xuất khẩu khác vẫn trong tâm thế rất lo lắng. Cụ thể là không có đơn hàng xuất khẩu thì các công ty đứng bên bờ vực phá sản, còn có đơn hàng xuất khẩu lại lo nguy cơ dịch bùng phát lại, đối tác chậm thanh toán hợp đồng mua hàng. Trong tình huống xấu, công ty đối tác phá sản, không đủ khả năng thanh toán, việc đi nước ngoài để đòi nợ không dễ vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước.

* Kỳ vọng vào quý IV

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, ngành gỗ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh Covid-19. Nhiều đơn hàng của DN bị tạm hoãn hoặc hủy không thể xuất được nên phải thu hẹp sản xuất.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cả nước có hơn 4,6 ngàn DN sản xuất trên lĩnh vực gỗ. Hiện các DN ngành gỗ đang kỳ vọng tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong xuất khẩu vì EU là thị trường lớn với hàng trăm triệu dân.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khả năng đến cuối quý III và quý IV năm nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ mới phục hồi. Do đó, giai đoạn này, DN gỗ vẫn đang cố gắng cầm cự và tìm kiếm những đơn hàng tốt.

Tuy nhiên, một thách thức khác là do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều DN khó khăn trong việc trao đổi, tìm đối tác mới và thị trường mới. Phần lớn các DN đều phải đàm phán trực tuyến với đối tác nước ngoài. Phía Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã phối hợp để mở các đợt đàm phán trực tuyến với các nước nhằm hỗ trợ DN ngành gỗ và các ngành khác mở rộng giao thương.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở sản xuất gỗ Thành Nhân (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất trực tiếp qua hơn 10 thị trường trên thế giới, nhưng do xảy ra dịch bệnh nên việc xuất khẩu bị hạn chế rất lớn, từ khách hàng đến khâu vận chuyển. Từ tháng 6-2020, xuất khẩu bớt khó khăn nhưng chưa khôi phục được, phải khi nào dịch bệnh trên thế giới lắng xuống, giao thương, vận tải trở lại bình thường thì ngành gỗ mới phục hồi tốt được”.

Một số DN nhận định, gỗ và các sản phẩm từ gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu nên sau dịch, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn và sản phẩm gỗ sẽ không phải là mặt hàng được ưu tiên mua sắm hàng đầu. Điều này dẫn đến ngành gỗ sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác như: giày dép, dệt may, thực phẩm chế biến...

Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến năm 2020, ngành này cố gắng đạt kim ngạch 12 tỷ USD.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gỗ là: tháo gỡ khó khăn về chính sách cho DN; khai thác các thị trường, tìm thêm đơn hàng mới; các DN cũng phải rà soát lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp, tái cơ cấu lại sản xuất, cố gắng trụ vững đợi dịch lắng xuống và “bật dậy” trong quý III, IV sắp tới.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/xuat-khau-go-vat-va-tim-dau-ra-cho-san-pham-3012516/