Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Lo ngại rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ

Phân tích số liệu nhập khẩu và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mỹ là thị trường duy nhất có sự tăng trưởng

Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG): Thực trạng 2020 và xu hướng 2021” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy, giá trị xuất khẩu (XK) G&SPG năm 2020 đạt 12,01 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2019. Vào các tháng nửa cuối năm 2020, giá trị XK tăng mạnh, trung bình đạt trên 1,1 tỷ USD/tháng.

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU là 5 thị trường XK chính của Việt Nam (tổng đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% trị giá XK G&SPG trong năm). Đáng chú ý, XK G&SPG vào thị trường Mỹ đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 58,1% giá trị XK G&SPG của Việt Nam vào tất cả các thị trường (kim ngạch tăng 36% so với năm 2019.

Theo ông Tô Xuân Phúc (Forest Trends), trong năm 2020, trong nhóm 5 thị trường chính, Mỹ là thị trường duy nhất có sự tăng trưởng. Tức là tăng trưởng của ngành trong năm là do sự mở rộng tại thị trường Mỹ…

Phân tích nguyên nhân, chuyên gia của Forest Trends cho rằng, một phần là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thị trường Trung Quốc cho thấy sự chững lại trong nhập khẩu (NK) các mặt hàng gỗ từ Việt Nam trong năm 2020. Một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, EU-27 với quy mô giảm trong khoảng 3-5% so với năm 2019…

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu tăng đột biến từ Trung Quốc

Nếu như XK G&SPG lo ngại rủi ro khi quá tập trung vào 1 thị trường thì trong khâu gỗ nguyên liệu NK, nỗi lo lớn nhất hiện nay là rủi ro từ các nguồn NK và gian lận thương mại.

Năm 2020 giá trị NK G&SPG của Việt Nam đạt 2,55 tỷ USD, tương đồng với kim ngạch của năm 2019. Gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván nhân tạo là nhóm các mặt chính NK vào Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu chế biến tiêu thụ trong nước và XK. Ngoài ra, ghế ngồi, bộ phận đồ nội thất cũng là các nhóm mặt hàng có giá trị NK lớn.

5 thị trường cung cấp G&SPG chính cho Việt Nam trong năm 2020 là Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Thái Lan và Chile.

Đáng chú ý, năm 2020, NK từ thị trường Trung Quốc tăng đột biến khi kim ngạch đạt 846,07 triệu USD chiếm 33% tổng giá trị NK G&SPG của Việt Nam, tăng 28% so với năm 2019.

Phân tích về cơ cấu NK, Báo cáo lưu ý, nhóm gỗ nguyên liệu thô vốn là các mặt hàng NK chính như gỗ tròn, gỗ xẻ tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhóm mặt hàng ván các loại vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhóm hàng bộ phận đồ gỗ, ghế ngồi tăng rất nhanh. Chúng chỉ ra các tín hiệu về rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với nhóm mặt hàng này được NK vào Việt Nam từ Trung Quốc…

Theo sát diễn biến…

Theo ông Trần Lê Huy (FPA Bình Định), thực ra những tín hiệu rủi ro này đã được các Hiệp hội và DN ngành gỗ Việt Nam chỉ ra rất sớm bên cạnh hàng loạt các giải pháp của các cơ quan chức năng. Nhưng số liệu gia tăng liên tục ở mức tăng trưởng cao của nhóm hàng rủi ro này cho thấy thách thức chưa được giải quyết triệt để.

Hơn nữa, ngành gỗ Việt Nam vẫn chưa vượt qua được những trở ngại từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… liên quan đến các biện pháp hoặc hành động có khả năng áp đặt lên hàng hóa G&SPG từ Việt Nam như thuế chống lẩn tránh thuế, thuế AD/CVD…

Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp, trong đó, kiểm soát gỗ NK từ các nguồn rủi ro là một trong những vấn đề trọng tâm của Nghị định. Do lượng gỗ rủi ro NK lớn, loài nhập và nguồn nhập đa dạng, Nghị định quy định các DN NK thực hiện trách nhiệm giải trình. Vì vậy, DN cần thu thập thêm các bằng chứng minh cho tính hợp pháp của nguồn gỗ NK…

“Đảm bảo thực hiện Nghị định hiệu quả là thách thức hiện tại và trong tương lai. Rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với một số nhóm mặt hàng NK từ Trung Quốc là rất hiện hữu… Rủi ro này hiện đang đem lại những tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của ngành trên trường quốc tế.

Do đó, các cơ quan quản lý, cộng đồng DN cần hợp tác với các đối tác tiếp tục theo sát tình hình và cần đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả hơn, nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ ngay từ địa điểm sản xuất kinh doanh của DN cho đến các cơ quan chức năng địa phương trong suốt chuỗi cung ứng G&SPG của ngành.

Bản thân các hiệp hội địa phương cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các DN có dấu hiệu gian lận, phối hợp giữa các địa phương với Hiệp hội Trung ương để định hướng, đưa ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khả thi” - chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/xuat-khau-go-va-san-pham-go-lo-ngai-rui-ro-trong-lan-tranh-xuat-xu-581396.html