Xuất khẩu gỗ và mối lo nguyên liệu

Kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang trên đà tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, rào cản để XK bền vững ngành hàng này còn tương đối nhiều.

Gỗ là một trong những sản phẩm XK chủ lực của nước ta.

Tăng trưởng chưa bền vững
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, những năm gần đây, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng trưởng rất nhanh và mạnh. Năm 2017, kim ngạch XK nhóm sản phẩm này đạt tám tỷ USD, với 7,7 tỷ USD là gỗ, 300 triệu USD là lâm sản ngoài gỗ. Đây là con số tương đối lớn vì năm 2000, kim ngạch XK sản phẩm này mới 219 triệu USD. Năm nay, dự kiến kim ngạch XK sản phẩm này sẽ đạt chín tỷ USD. Trong đó gỗ đạt 8,5 - 8,6 tỷ USD, lâm sản ngoài ngỗ đạt 400 - 500 triệu USD.

Ngành gỗ đang có nhiều thuận lợi về thị trường khi hiện nay, kim ngạch XK vào Hoa Kỳ đang đứng đầu với mức tăng 15 - 18%/năm. Thị trường Hoa Kỳ còn nhiều dư địa để tăng trưởng XK vì các DN Hoa Kỳ chỉ làm gỗ xẻ, không chế biến ra các sản phẩm như Việt Nam nên phải nhập khẩu. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dung lượng để tăng XK. Chưa kể, do đã làm việc với Hoa Kỳ nhiều năm, nên dù có nhiều chính sách bảo hộ, kiểm dịch và yêu cầu giải trình nhưng nhìn chung, các DN gỗ đã quen với các việc này và nhiều khả năng sẽ đáp ứng được các yêu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng chia sẻ, nguyên liệu chính là điểm yếu nhất của ngành gỗ hiện nay. Cụ thể, năm 2017, để có được kim ngạch XK gỗ đạt 7,7 tỷ USD, ta phải sử dụng 35 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó lượng nhập khẩu là 9 triệu m3. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các yêu cầu truy suất nguồn gốc gỗ tăng cao, giải pháp quan trọng hiện nay là làm sao chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ trong nước.

Đơn cử, sắp tới, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Mức thuế này được áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến và sản phẩm gỗ (mức thuế trước EVFTA là 3%); đồ nội thất bằng tre hoặc mây (mức thuế trước là 5,6%); ván ép gỗ (trước là 4%), đồ trang trí bằng gỗ (trước là 3%). Tuy nhiên để được hưởng mức thuế này, Việt Nam phải chứng minh có nguồn gỗ nội địa hoặc nhập khẩu hợp pháp. Với tỷ lệ nhập khẩu quá lớn hiện nay, khó có thể chứng minh hết rằng nguồn gốc gỗ nhập khẩu là hợp pháp.

Bên cạnh đó, ngành gỗ còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi tình trạng kiểm dịch thực vật. Năm 2006, Chính phủ đã ra văn bản với nội dung quốc gia nhập khẩu nào yêu cầu có giấy chứng nhận kiểm dịch mới kiểm dịch nhưng hiện nay các cơ quan chức năng trong nước yêu cầu tất cả phải kiểm dịch, gây khó khăn cho DN.

“Chưa kể, kim ngạch XK gỗ vào Trung Quốc hiện đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD/năm, nhưng chủ yếu là dăm mảnh, gỗ bóc. Chính phủ cần có chính sách làm sao hạn chế tình trạng này vì XK dăm mảnh, gỗ bóc có giá trị rất thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng tiêu tốn lượng lớn nguyên liệu gỗ”, ông Nguyễn Tôn Quyền chỉ rõ.

Ngoài ra, số lượng lao động trong ngành gỗ đang vào khoảng 300 nghìn người, có tay nghề khéo, nhưng số lượng đã qua đào tạo tương đối thấp, khó có thể tạo năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác về lâu dài.

Tăng thêm cạnh tranh cho ngành gỗ
Gỗ được coi là một trong những ngành XK quan trọng bởi không chỉ có kim ngạch đang tiến sát đến mốc 10 tỷ USD, đây còn là ngành nghề tập hợp phần lớn các DN 100% vốn trong nước – động lực cho sự tăng trưởng XK bền vững trong tương lai. Do đó, cần nhiều giải pháp để gỡ khó, tạo tăng trưởng XK mạnh hơn cho sản phẩm này.

Cụ thể, để giải quyết được “bài toán” nguyên liệu, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, phải cải thiện gỗ rừng trồng bằng cách: Một là cải tạo việc trồng rừng từ các loại gỗ nhỏ hiện nay sang gỗ lớn; Hai là sử dụng hoàn toàn giống gỗ nguyên liệu mới, chất lượng hơn. Đồng thời có chính sách liên kết chặt chẽ giữa DN và người dân để liên kết, trồng và bàn giao nguồn gỗ chất lượng.

Đồng ý kiến, ông Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland cho rằng, nước ta có tiềm năng sản xuất gỗ nguyên liệu rất lớn nhưng việc quản lý chưa chặt nên cây gỗ khai thác ngày càng sớm, chất lượng gỗ ngày càng kém. Cho nên rất cần có các chính sách khuyến khích DN chế biến gỗ liên kết với người nông dân để sản xuất gỗ nguyên liệu. Thí dụ như DN đặt các nhà máy sơ chế gỗ tại vùng núi, gần các vùng nguyên liệu để giảm chi phí giá thành, để quản lý chất lượng nguồn gỗ thì phải được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù bởi hoạt động ở khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa.

Về nguồn nhân lực, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) đã lên chương trình chủ động đào tạo lại lao động hiện có với mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 380 – 400 nghìn lao động có tay nghề cao, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển mới lao động ngành nghề này sẽ gặp không ít khó khăn nên cần sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đặc biệt, cần quan tâm lớn đến chi phí logistics bởi gỗ là ngành đặc thù, phải vận chuyển gỗ từ khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa ra nên chi phí cao, giảm sức cạnh tranh cho sản phẩm. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách giảm những khoản thu phí logistics quá cao, ví dụ như ở cảng Hải Phòng để giảm khó khăn cho DN.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/36147502-xuat-khau-go-va-moi-lo-nguyen-lieu.html