Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng tốt bất chấp tác động bất lợi từ dịch Covid-19

Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 7,83 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt kim ngạch 12,5 tỉ USD trong năm 2020.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng cao

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), với 5.650 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản trên cả nước, mặc dù chịu tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19, trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 7,83 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỉ USD, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ 511 triệu USD, tăng 21,6%.

Nước ta có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng

Nước ta có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng

8 tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu 7 tỉ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, nước ta có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Trong khi đó, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn (khoảng 430 tỉ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỉ USD giá trị thương mại của đồ gỗ). Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới trong xuất khẩu gỗ như Canada, Nga, Ấn Độ…

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt 12,5 tỉ USD trong năm nay

Hiện nay, doanh nghiệp chế biến gỗ đã hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang được cải thiện rất lớn. Các doanh nghiệp đang thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý, quản trị doanh nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Cùng với đó, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ ngày 01/06/2019, sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.

Với những thuận lợi đó, cùng kết quả đạt được khả quan của 8 tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nguy cơ các doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng dẫn đến thua thiệt cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững; nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng, có chứng chỉ rừng bền vững; phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ; chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu để sản xuất vật liệu phụ trợ trong nước; phát triển thương hiệu lâm sản Việt.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xuat-khau-go-va-lam-san-tang-truong-tot-bat-chap-tac-dong-bat-loi-tu-dich-covid-19-d178002.html