Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vượt mốc 4 tỷ USD

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 4,01 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,8 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

CPTPP, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Theo số liệu thống kê, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5/2019 đạt 895 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 20,2% so với tháng 5/2018.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 4,01 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,97 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tới 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho là sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm, như: ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.

Nhờ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường Mexico sâu hơn, vì nước này đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm.

Do vậy, khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ một cách đột biến là không có nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.

Quyền tiếp cận trực tiếp thị trường EU

EU là thị trường gỗ lớn thứ tư của Việt Nam, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có mặt tại 28 nước của EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ.

Kể từ 1/6/2019, Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) Việt Nam - EU có hiệu lực thì tất cả các loại gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp tại Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải đi kèm với giấy phép FLEGT.

Các chuyên gia cho biết, Hiệp định VPA/FLEGT giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, cùng với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, doanh nghiệp Việt Nam có quyền tiếp cận trực tiếp thị trường EU mà không phải qua quá trình kiểm tra tính hợp pháp.

Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước không có hiệp định VPA đầy đủ.

Theo số liệu thống kê từ Eurostat, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,4 triệu tấn và 3,6 tỷ Eur (tương đương với 4,1 tỷ USD), tăng 3,3% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong 2 tháng đầu năm 2019, EU giảm nhập khẩu từ các thị trường nội khối và tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường ngoài EU trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 423 nghìn tấn và 1,2 tỷ Eur (tương đương 1,3 tỷ USD), tăng 8% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, thị phần nhập khẩu tăng từ 29,6% trong 2 tháng đầu năm 2018 lên 30,9%.

Trong số những thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU trong 2 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường cung cấp chính, trong đó tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 50,2% và Việt Nam chiếm 11,9%. Nếu tính trong tổng nhập khẩu của EU cả trong và ngoài khối thì tỷ trọng từ Việt Nam chỉ chiếm 3,7%.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, trong khi EU tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc, thì lại giảm lượng nhập khẩu từ Việt Nam.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ Trung Quốc đạt 212,9 nghìn tấn và 602,8 triệu Euro (tương đương 675,2 triệu USD), tăng 6,9% về lượng và tăng 15,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 50,2 nghìn tấn và 164,9 triệu Eur (tương đương 184,6 triệu USD), giảm 0,9% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/hang-hoa/xuat-khau-go-va-cac-san-pham-go-vuot-moc-4-ty-usd-3509425.html