Xuất khẩu giáo dục Mỹ trước khả năng xáo trộn

Mỹ hiện tại vẫn là quốc gia số 1 thế giới về thu hút du học sinh. Tuy nhiên kết quả bầu cử Mỹ mới đây với chiến thắng thuộc về ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump khiến nhiều du học sinh lo lắng chính sách việc làm đối với người nước ngoài sẽ thay đổi.

Nước Mỹ với vị Tổng thống mới sẽ phải cân nhắc nếu không muốn mất đi nguồn lợi to lớn từ du học sinh…

Trẻ hóa du học sinh

Năm ngoái, gần 1 triệu du học sinh đến Mỹ tu nghiệp - nối tiếp xu hướng tăng du học sinh đến Mỹ trong những năm gần đây. Điểm đáng chú ý là độ tuổi du học sinh đến Mỹ đang ngày càng hạ thấp hơn.

Theo một báo cáo gần đây do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài trong các trường đại học Mỹ là chuyển tiếp từ các trường THPT Mỹ. Nếu như trước đây, du học sinh nước ngoài đến Mỹ học THPT chủ yếu từ các chương trình trao đổi học sinh giữa các trường thì trong những năm gần đây, số du học sinh du học THPT tại Mỹ vượt xa số du học sinh đi theo chương trình trao đổi. Điều này chỉ ra du học sinh đến Mỹ từ tuổi thấp hơn trước và tạo nguồn sinh viên dồi dào, có chất lượng cho các trường đại học Mỹ.

Ngay cả tỉ lệ du học sinh nhập học chương trình đại học Mỹ cũng tăng vọt so với tỉ lệ học viên nước ngoài theo học sau đại học tại Mỹ. Một dấu hiệu chỉ rõ thêm trẻ hóa độ tuổi du học sinh Mỹ.

Bên cạnh sửa đổi chính sách tuyển sinh hướng vào đối tượng du học sinh trẻ hơn, các trường THPT và đại học Mỹ cũng phải chuyển đổi “dịch vụ khách hàng” sao cho đáp ứng nhu cầu của đối tượng du học sinh trẻ hơn. Nhiều trường có hẳn chương trình hỗ trợ kiến thức học vấn, kĩ năng xã hội, thích nghi văn hóa và tôn giáo, biến đổi tâm lí và thậm chí cả “căn bệnh nhớ nhà” điển hình của du học sinh bất ngờ phải sống cách xa gia đình hàng ngàn cây số.

Nhiều trường phân cặp kiểu “đôi bạn cùng tiến” với một học sinh sinh viên lớp trên kèm cặp du học sinh mới đến…

Du học vì kỳ vọng việc làm

Theo tạp chí Wall Street Journal, du học sinh quốc tế chiếm gần 5% tổng số học viên đại học và sau đại học tại Mỹ năm 2015, tăng từ khoảng 3% năm 2005. Báo cáo Trao đổi GD quốc tế 2015 của IIE phối hợp với Cục Các vấn đề Văn hóa và Giáo dục Mỹ thực hiện, xác nhận số sinh viên quốc tế tại các trường ĐH Mỹ đã đạt tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong 35 năm.

51% du học sinh đến Mỹ năm ngoái là từ châu Á. Trung Quốc đóng góp 31% tổng số sinh viên nước ngoài. Cụ thể, trong 974.962 sinh viên, có 304.040 sinh viên đến từ Trung Quốc; 132.888 sinh viên đến từ Ấn Độ, 63.710 sinh viên đến từ Hàn Quốc. 20% du học sinh theo học chuyên ngành kinh doanh và quản lí, 20% theo học cơ điện tử… Những trường ĐH Mỹ có nhiều sinh viên quốc tế nhất là ĐH New York, ĐH Nam California, ĐH Columbia, ĐH bang Arizona và ĐH Illinois - Urbana…

Theo khảo sát “Giá trị của giáo dục: Những nền tảng cho tương lai” của HSBC, Mỹ là điểm đến được các bậc cha mẹ ưa thích nhất khi họ cân nhắc cho con cái đi du học bậc đại học. Những kết quả thu được từ cuộc khảo sát với sự tham gia của 6.241 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia cho thấy, gần một nửa số người tham gia khảo sát (48%) xếp Mỹ là điểm du học hàng đầu.

Khi được yêu cầu đưa ra một lý do cho sự lựa chọn này, đa số cha mẹ (59%) nói rằng, đó là vì chất lượng giáo dục tốt hơn và 29% nói rằng, vì cơ hội việc làm tốt hơn.

Mỹ cũng là điểm du học đắt đỏ nhất, với học phí đại học trung bình hằng năm lên đến 33.215 USD đối với sinh viên quốc tế. 1 triệu du học sinh đóng góp 30,8 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/xuat-khau-giao-duc-my-truoc-kha-nang-xao-tron-2547185-b.html