Xuất khẩu gạo tăng 8% về giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu gạo đạt 5,29 triệu tấn, với giá trị khoảng 2,61 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, đạt 1,81 triệu tấn và 843,48 triệu USD, giảm 3,9% về khối lượng nhưng tăng 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tính trong 9 tháng năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Thị trường Indonesia gấp 3,2 lần, đạt 75,9 nghìn tấn, 41,8 triệu USD; Trung Quốc tăng 75,4%, đạt 576,6 nghìn tấn, 338,3 triệu USD. Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq, giảm 65,6%, đạt 90 nghìn tấn và 47,8 triệu USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu tăng là do giá gạo xuất khẩu bình quân những tháng qua tăng, đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng ghi nhận, xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự chuyển dịch lớn về chủng loại. Trong 9 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,8%; gạo nếp chiếm 17,2%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,1%.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 54,6%), Malaysia (13,1%) và Cuba (9,1%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (28,8%), Ghana (18,9%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 71,1%), Indonesia (8,0%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 19,0%), Đảo quốc Solomon (16,2%)...

Trong một tháng trở lại đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng từ mức khoảng 470 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 490 USD/tấn vào cuối tháng. Mưa nhiều gây ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến tiến độ thu hoạch vụ thu đông bị trì hoãn, nguồn cung thu hẹp là nguyên nhân đưa giá tăng. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng giảm mạnh, từ 475 USD/tấn vào đầu tháng, xuống 438 USD/tấn; giá gạo Ấn Độ giảm nhẹ từ 379 USD/tấn xuống 375 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, theo khảo sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10-2020 diễn biến tăng, giảm trái chiều so với cuối tháng 9-2020.

Trong đó, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg, lên 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 100 đồng/kg, lên 5.900 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg, lên mức 6.800-6.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg, lên mức 6.900-7.200 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg, lên mức 7.000-7.300 đồng/kg....

Theo dự kiến của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tháng 11 và thời gian tới, giá gạo có thể giảm nhẹ do thời tiết tốt hơn, nguồn gạo thu đông về đều trong tháng 11, kéo dài đến hết tháng 12-2020 và đầu tháng 1-2021.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/983027/xuat-khau-gao-tang-8-ve-gia-tri