Xuất khẩu gạo nhưng đảm bảo an ninh lương thực

Ngày 6-4, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cộng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở vựa lúa ĐBSCL.

Theo đó, sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, Bộ Công thương kiến nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 dự kiến vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019. Với hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm đồng tình.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa gạo năm 2020 dự kiến bằng với năm 2019. Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN-PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa.

Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Vụ đông xuân vừa qua, ĐBSCL thu hoạch hơn 10 triệu tấn lúa. Sau khi tính toán các nhu cầu, lượng gạo có thể xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn. Ngoài ra, nhiều nơi trồng lúa nếp như An Giang, Long An tồn đọng gần 100.000 tấn cần xuất khẩu, bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít. Vì thế, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có văn bản kiến nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo để hỗ trợ nông dân; nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xuất khẩu gạo vì giá gạo thế giới đang tốt, trong khi Việt Nam không thiếu gạo.

An ninh lương thực luôn là vấn đề có tính toàn cầu. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp có trách nhiệm cho an ninh lương thực thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược, đã có nhiều chính sách tốt. Song trong khi nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo có những điều chỉnh quan trọng về chính sách chúng ta cũng cần “hệ điều hành mới”, giữ nguyên tắc “2 đảm bảo”. Đó là an ninh lương thực và nâng cao thu nhập người trồng lúa. Việc thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu gạo là cần thiết và sắp tới phải làm như thế nào để nông dân, người dân được hưởng lợi nhiều hơn!

Tại Hội nghị về an ninh lương thực vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo. Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống”.Vì thế, xuất khẩu gạo là cần thiết nhưng phải đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp,

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4-2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5-2020; xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020. Góp ý với Bộ Công thương về kịch bản này, nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Công thương cần xây dựng kế hoạch xuất khẩu lâu dài theo hướng tăng lượng lương thực dự trữ so với mọi năm. Khi có kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để xây dựng phương hướng phát triển trung và dài hạn, đàm phán với các đối tác truyền thống; ký kết hợp đồng xuất khẩu hợp lý. Qua đó sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng nguồn thu, đồng thời tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19!

HÀM LUÔNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xuat-khau-gao-nhung-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-656996.html