Xuất khẩu gạo đầu năm 2021 'hạ nhiệt'

Sau nhiều tháng tăng trưởng về giá trị trong năm 2020, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đã giảm trong tháng đầu năm 2021, tuy nhiên ngành hàng này vẫn được dự báo tiếp tục khả quan trong năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021, Việt Nam XK hơn 347,7 ngàn tấn gạo, với kim ngạch đạt gần 192 triệu USD, giảm 36,4% về lượng và giảm 34,2% về giá trị so với tháng trước đó (tháng 12/2020); đồng thời giảm 12,4% về lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện một doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân của việc XK gạo ‘hạ nhiệt’ là do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chủ lực thời điểm đầu năm thường thấp, trong khi giá bán gần đây ở mức cao, cùng với khó khăn trong việc vận chuyển…

Việt Nam đã và đang định hình phân khúc gạo có sức cạnh tranh. Ảnh: Cảnh Kỳ

Việt Nam đã và đang định hình phân khúc gạo có sức cạnh tranh. Ảnh: Cảnh Kỳ

Mặc dầu vậy, tình hình trên có thể chỉ là ngắn hạn, XK gạo Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục khả quan do nhu cầu của thị trường vẫn ở mức cao, nhất là khi Việt Nam đã định hình được phân khúc gạo chủ lực, chiếm ưu thế hơn so với gạo giá rẻ từ Ấn Độ hay Pakistan, đồng thời có sức cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan.

Về giá gạo XK, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 1/2021, giá gạo Việt Nam đạt 503 USD/tấn, tăng 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020 và duy trì mức này đến hết tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ cũng có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng, từ mức 384 lên 388 USD/tấn. Trong khi giá gạo Thái Lan tăng với biên động cao hơn, từ 513 lên 523 USD/tấn.

Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường số 1 của XK gạo Việt Nam khi chiếm gần 49% về lượng và hơn 47,6% về giá trị trong tháng đầu năm 2021 (đạt gần 170.000 tấn với kim ngạch trên 91 triệu USD). Đây cũng là thị trường số 1 của XK gạo Việt Nam trong năm 2020 khi chiếm 33,9% thị phần (đạt 2,2 triệu tấn, giá trị 1,06 tỷ USD, tăng 4% về lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019)…

Ở trong nước, theo tìm hiểu của PV, giá lúa gạo tại ĐBSCL đầu năm nay vẫn được duy trì và tiếp tục có xu hướng tăng. Cụ thể như, tại An Giang, lúa IR50404 có giá 6.900-7.000 đồng/kg; lúa OM5451 ở mức 6.700-6.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 lên mức 7.100-7.300 đồng/kg… Vụ Đông Xuân 2020-2021 tại ĐBSCL tiếp tục hứa hẹn một vụ lúa bội thu, trúng mùa được giá.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, XK gạo Việt Nam năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện các thị trường XK chính như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trước đó, tại lễ XK lô hàng gạo đầu năm 2021 diễn ra tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) hôm 13/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, năm 2020, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản XK, giá trị XK gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ qua. XK gạo của Việt Nam năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị mặc dù khối lượng gạo XK giảm khoảng 3,5% so với năm 2019.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, năm 2021 trước mắt vẫn tiếp tục cho thấy dấu hiệu tích cực của ngành lúa gạo. Các địa phương, DN cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.

Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan nhờ các hiệp định tự do hóa thương mại hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. DN cần cùng với nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện XK như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để mở rộng thị trường XK.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-dau-nam-2021-ha-nhiet-1794475.tpo