Xuất khẩu dệt may Thừa Thiên Huế: Hứa hẹn thành công

Với sự năng động, tích cực, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đơn hàng xuất khẩu (XK) đến giữa năm 2019, hứa hẹn một năm mới thành công và hiệu quả hơn nữa.

Năm 2018, các DN XK trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu về gần 900 triệu USD, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, ngành dệt may đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu các mặt hàng XK, với tổng kim ngạch đạt trên 680 triệu USD, tăng 20% so với năm 2017 và chiếm trên 70% tổng giá trị kim ngạch XK của toàn tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 lao động.

Ngành dệt may đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu

Ngành dệt may đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu

Để có được thành công đó, ngoài việc giữ ổn định thị trường truyền thống, các DN dệt may đã mạnh dạn khai thác, tìm kiếm những thị trường mới đầy tiềm năng. Đồng thời, việc đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy may mới đã góp phần tăng năng lực đáng kể cho ngành dệt may trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Tý - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) - cho biết, năm 2018, mặc dù tình hình XK trong nước gặp nhiều khó khăn, song DN vẫn đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo việc làm ổn định cho 5.200 lao động. Trong hoạt động XK của tỉnh Thừa Thiên Huế, DN luôn chiếm một tỷ trọng lớn, với tổng doanh thu đạt trên 1.700 tỷ đồng, kim ngạch XK đạt 92 triệu USD, tăng 10% so với năm 2017, trong đó sản lượng sợi chiếm hơn 50%. Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc, EU, hiện DN đang hướng đến một số thị trường mới là Nhật Bản, Úc. "Với quy mô 5 nhà máy, 80 chuyền may, trong đó có 4 nhà máy đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và 1 nhà máy tại Quảng Bình, hiện DN đã nhận đơn hàng XK đến tháng 6/2019" - ông Nguyễn Thanh Tý chia sẻ thêm.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết thêm, năm 2019 công ty đầu tư khoảng 200 tỷ đồng mua sắm các thiết bị, máy móc hiện đại để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu và tiêu hao nhiều điện năng. Ngoài đầu tư thiết bị máy móc, Công ty tập trung cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt và các chuyền trưởng, quản lý nhà máy với mục đích nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ngoài đơn vị Huegatex, nhiều DN dệt may khác trên địa bàn đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, thiết bị, đào tạo và tuyển lao động.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế - nhận định, năm 2019, nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, do vậy chỉ tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt khoảng 1 tỷ USD là khả quan, trong đó kim ngạch XK của ngành dệt may sẽ đóng vai trò chủ đạo. "Để đạt được kế hoạch đề ra, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp theo chiều sâu, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế như các dự án chế biến sâu từ nguyên liệu cát như sản xuất thủy tinh pha lê, kính cường lực; chế biến thủy sản; sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Trong đó, ưu tiên khuyến khích các dự án đầu tư mới sử dụng công nghệ cao, tạo được sản phẩm XK…" - ông Thanh nhấn mạnh.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có 35 DN hoạt động XK ngành hàng xơ, sợi, may mặc. Trong đó, một số DN có kim ngạch XK lớn như: Công ty TNHH Hanesbrands Huế (258,8 triệu USD), Công ty CP Dệt may Huế (92 triệu USD); Công ty Scavi Huế (72,8 triệu USD); Công ty CP Đầu tư dệt may Thiên An Phát (35,5 triệu USD); Công ty CP Sợi Phú Bài (29,7 triệu USD)...

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-det-may-thua-thien-hue-hua-hen-thanh-cong-115088.html