Xuất khẩu da giày liệu có 'lội ngược dòng' trong dịp cuối năm?

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, xuất da giày chứng kiến sự suy giảm mạnh. Song với những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu và 'đòn bẩy' EVFTA… liệu trong thời gian ít ỏi còn lại của năm 2020, xuất khẩu ngành mũi nhọn này có tăng trưởng trở lại?

Sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu giày dép có những chuyển biến tích cực. Ảnh: TL

Sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu giày dép có những chuyển biến tích cực. Ảnh: TL

Đơn hàng đang có tín hiệu phục hồi

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nửa đầu quý III là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với ngành da giày khi xuất khẩu liên tục suy giảm và mức tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng xảy ra nhiều biến động.

Chia sẻ về câu chuyện này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, nhiều doanh nghiệp da giày rơi vào hoàn cảnh lao đao do không có đầu ra, không có đơn hàng và rất khó đưa ra giải pháp nào trước bối cảnh khủng hoảng nặng nề. Những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đều giảm nhập khẩu. Thậm chí có thị trường giảm đến 80 – 90%. Doanh nghiệp chia sẻ khó có thể hoàn thành chỉ tiêu kinh tế của doanh nghiệp trong năm 2020. Điều đó cũng khiến cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỉ USD khó cán đích trong năm nay.

Không những vậy, tại “sân nhà”, đại dịch cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường nội địa, quý II và nửa đầu quý III có sự sụt giảm rất mạnh. Có những thị trường, những nhãn hàng giảm tới 60 - 70%.

“Tại thị trường trong nước, do phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá thành cao. Đó là còn chưa kể đến tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của những nhãn hàng lớn tại thị trường nội địa” - bà Xuân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo về sản xuất công nghiệp của Bộ Công thương cho thấy, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng vẫn nỗ lực cầm cự, duy trì sản xuất để giữ chân công nhân, chờ đợi cơ hội phát triển sau dịch bệnh.

Cũng bởi lẽ đó mà trong bức tranh tiêu thụ ảm đạm thì vẫn có nhiều tia hy vọng bứt phá vào thời điểm cuối năm đối với ngành da giày. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ nửa sau quý III/2020 tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành này đã được cải thiện hơn, đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi.

Theo đó, “một số doanh nghiệp trong ngày da giày đã có đơn hàng sản xuất trở lại đến hết năm. Mặc dù chưa nhiều bởi các nhà nhập khẩu còn thận trọng do sức mua của thị trường còn yếu” - ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định.

Ông Hải cho biết thêm, sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Sản lượng giày dép da tháng 10 ước đạt 31 triệu đôi, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 249,1 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 10 tháng ước đạt 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cần chớp lấy cơ hội để bứt phá trong tương lai

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý IV/2020 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Bên cạnh đó, khảo sát mới đây của LEFASO với các nhãn hàng thời trang trên thế giới cho thấy 60% các ông lớn trong ngành da giày thế giới đều coi Việt Nam là một trong những quốc gia cung ứng quan trọng. Nước ta đang và sẽ là điểm đến để nhiều nhãn hàng dịch chuyển một phần sản xuất. Theo khảo sát, hơn 423% doanh nghiệp nước ngoài khẳng định chắc chắn sẽ tăng mua hàng từ Việt Nam.

Hiện nay, với hơn 1.700 doanh nghiệp, năng lực cung của Việt Nam được đánh giá là lớn, lên đến hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm.

“Có thể thấy, xu hướng dịch chuyển sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày về Việt Nam để tận dụng tối đa quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA rất rõ ràng. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021” - bà Xuân cho biết.

Thêm vào đó, với những nỗ lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong suốt thời gian qua, sản phẩm da giày Việt Nam cũng đã hàm chứa tỷ lệ nội địa cao đến gần 50%. “Tất cả nền tảng đó sẽ là giúp sản xuất da giày những tháng cuối năm ghi nhận tín hiệu tích cực và bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch LEFASO nhấn mạnh.

Song, theo các chuyên gia kinh tế, rõ ràng đối với chính các doanh nghiệp may mắn đang có đơn hàng đến hết năm 2020 thì tình hình đơn hàng trong năm 2021 cũng chưa thể biết được chắc chắn. Hơn nữa, nguyên phụ liệu “đầu vào” của ngành vẫn còn phải nhập khẩu nhiều từ nước ngoài.

Do đó, doanh nghiệp rất cần những giải pháp có chiều sâu như phát triển công nghiệp hỗ trợ, vùng nguyên phụ liệu của Chính phủ. “Đối với doanh nghiệp cũng cần xác định rõ các yếu tố nếu trên chỉ mang tính chất thúc đẩy, bởi quyết định thắng - bại vẫn chủ yếu là do chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động phản ứng nhanh với mọi tình huống và tập trung nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật để gia tăng lợi thế cạnh tranh và cũng là để nắm bắt làn sóng chuyển dịch, chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-11-10/xuat-khau-da-giay-lieu-co-loi-nguoc-dong-trong-dip-cuoi-nam-94954.aspx