Xuất khẩu - Cửa sáng với nhiều ngành hàng nông sản

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD. Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2020.

Xuất khẩu lâm sản, gạo cứu cánh

Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10, nông sản đạt khoảng 1,6 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD; thủy sản đạt 800 triệu USD (giảm 12,9%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 11,5%).

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản chính đạt trên 11,65 tỷ USD, tăng 15,0%. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 10,4%); rau đạt 621 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 874 triệu USD (tăng 2,3%), xuất khẩu tôm thu về gần 3,4 tỷ USD (tăng 9,7%); quế đạt 222 triệu USD (tăng 37,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 10,9 tỷ USD (tăng 14,1%); mây, tre, cói thảm đạt 545 triệu USD (tăng 26,1%).

Thực tế, từ giữa tháng 7-2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu hiện đang quanh ngưỡng 495 USD/tấn và đây là mức giá khá tốt tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam như gạo DT8, gạo 5451… dù có sự biến động theo thị trường nhưng nhiều thời điểm đã có giá tốt, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua.

Dự đoán xuất khẩu điều vẫn sẽ tăng do nhu cầu Tết Nguyên đán sắp đến.

Dự đoán xuất khẩu điều vẫn sẽ tăng do nhu cầu Tết Nguyên đán sắp đến.

Dự báo tích cực

Các ngành lúa gạo và lâm sản đã về đích sớm trước 1 tháng và sẽ còn tiếp tục tăng tốc xuất khẩu trong tháng cuối năm. Trong khi đó, nhiều nhóm mặt hàng nông sản khác đã thấy "sáng" hơn về cuối năm, có cơ hội tăng tốc về đích trong tháng 12-2020.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm. Sắp tới sẽ tổ chức diễn đàn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (thịt gà, thịt bò chất lượng cao, sản phẩm chứng nhận Halal.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và DN triển khai các giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... ).

Theo thống kê hiện có 8 nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,8 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD).

Trước những rủi ro do đợt bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 10-2020 có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu, đặc biệt là tại các nước kêu gọi giãn cách như Đức, Pháp, Bỉ, Áo hay Anh... khiến nhà hàng, quán bar đóng cửa. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Hoa Kỳ trong tháng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan do tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho lễ hội Giáng sinh truyền thống vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Thời gian tới, nhu cầu cà phê hòa tan tiếp tục tăng có thể là yếu tố thúc đẩy cho ngành cà phê hòa tan trong nước phát triển và vươn lên nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu và sự chuyển biến tích cực từ thị trường.

Theo các nhà chuyên môn, bước đi của hạt gạo sẽ không ổn định nếu không xây dựng một kế hoạch phát triển và tạo dựng thương hiệu sản phẩm có hiệu quả trên thị trường quốc tế. Ngay từ khâu thu hoạch phải được làm tốt, chú trọng đầu tư cho khâu chế biến và công nghiệp chế biến để giảm tỷ lệ tổn thất (hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nước ta là 13-16%, Thái Lan khoảng 7-10%), nâng cao chất lượng gạo ở Việt Nam (80% tổng lượng lúa được xay xát tại các cơ sở nhỏ không được trang bị đồng bộ về sân phơi, sấy và kho chứa, trong khi đó đối với Thái Lan có trên 90% là nhà máy quy mô lớn, được trang bị đồng bộ, nên chất lượng gạo cao hơn). Thêm vào đó, nước ta vẫn thiếu những thương hiệu mạnh về gạo, vì thế, rất cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Muốn vậy, cần tạo sự gắn kết 4 nhà bằng cách xây dựng Cty CP, gồm các cổ đông là nhà nông, nhà chế biến, nhà đầu tư kinh doanh, nhà khoa học.

Bên cạnh áp lực từ dịch Covid-19 đến ngành tiêu xuất khẩu sang EU thì việc Việt Nam tham gia ký kết EVFTA đang đặt ngành hạt tiêu nước ta trước những cơ hội và thách thức mới. Theo các chuyên gia, vấn đề rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng để các mặt hàng nông sản của Việt Nam có chỗ đứng trong thị trường thế giới.

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xuat-khau-cua-sang-voi-nhieu-nganh-hang-nong-san-220162.html