Xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản tỷ USD biến động như thế nào trong 5 năm qua?

Thủy sản Biển Đông, IDI, Navico là 3 doanh nghiệp có sự nhảy vọt trong thứ hạng các doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu thủy sản. 'Phong độ' xuất khẩu của các doanh nghiệp tôm khó ổn định hơn các doanh nghiệp cá.

Theo số liệu của Hải Quan Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 15/08/2018, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam đã đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thị trường EU dẫn đầu về độ lớn và tăng trưởng trong nhóm 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đạt mức 895 triệu USD, tăng 12,3%; tiếp theo là Mỹ với 862 triệu USD, tăng 0,7%; Nhật Bản đạt gần 785 triệu USD, tăng 2,9%; Trung Quốc mở rộng đạt hơn 725 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2017.

Xuất khẩu tôm nói chung đến ngày 15/08/2018, giảm 1,2% đạt giá trị gần 2,1 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,9%. Xuất khẩu cá tra tăng 20,5% đạt gần 1,3 tỷ USD và cá ngừ đạt 383 triệu USD tăng 10,4%.

Xuất khẩu tôm biến động mạnh kể từ năm 2014 đã khiến cho thứ hạng của các doanh nghiệp chế biến tôm trong Top các doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn của ngành thay đổi lớn. Sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của ngành cá đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng hạng.

7 tháng đầu năm 2018, 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ngành mang lại 1,12 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 5,5% so với 5 năm trước. Điểm khác biệt, năm 2014 các doanh nghiệp tôm lên ngôi thì nay các doanh nghiệp cá lên ngôi.

Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Minh Phú Hậu Giang, đơn vị dẫn đầu xuất khẩu năm ngoái nay đã xuống vị trí thứ 3, với kim ngạch xuất khẩu đạt 170,3 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài Minh Phú Hậu Giang, các doanh nghiệp tôm đầu ngành như Stapimex, Quốc Việt ghi nhận mức sụt giảm giá trị xuất khẩu lần lượt 9% và 26%.

Thủy sản Minh Phú, “vua tôm” là điểm sáng nhất của nhóm doanh nghiệp chế biến tôm với giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt 175,5 triệu USD, tăng 15%.

Trái ngược với các doanh nghiệp ngành tôm, các doanh nghiệp cá tra trong những tháng đầu 2018 đã tăng trưởng ấn tượng và khá đều từ 16% - 42%.

Vĩnh Hoàn tiến lên ngôi đầu ngành (nếu chia tách Minh Phú mẹ và Minh Phú Hậu Giang) với kim ngạch xuất khẩu đạt 180,5 triệu USD, tăng trưởng 16%, chiếm thị phần 3,83%.

Thủy sản Biển Đông đã nhảy từ vị trí số 9 lên vị trí số 5 trong top các doanh nghiệp xuất khẩu lớn ngành thủy sản với giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt 105,5 triệu USD, tăng 42% so với 7 tháng 2017 và gấp hơn 3 lần giá trị xuất khẩu 5 năm trước. Thủy sản Biển Đông là nhà sản xuất xuất khẩu cá tra/basa được thành lập vào năm 2007 tại Cần Thơ.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã IDI) cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 38% trong 7 tháng đầu 2018, đạt kim ngạch xuất khẩu 67,3 triệu USD, xếp thứ 8 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Năm ngoái, IDI xếp thứ 13. Giá trị xuất khẩu của IDI giảm nhẹ trong giai đoạn 2014 – 2016, tăng trưởng mạnh 2 năm trở lại đây.

Tương tự IDI, Navico cũng trở lại chu kỳ tăng trưởng từ 2017. Giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 63 triệu USD, tăng 28% vào top 10.

Số liệu thống kê 5 năm của các doanh nghiệp trong Top 10 cho thấy, Thủy sản Biển Đông, IDI, Navico là 3 doanh nghiệp có sự nhảy vọt trong thứ hạng các doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu thủy sản. “Phong độ” xuất khẩu của các doanh nghiệp tôm khó ổn định hơn các doanh nghiệp cá.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/xuat-khau-cua-doanh-nghiep-thuy-san-ty-usd-bien-dong-nhu-the-nao-trong-5-nam-qua-3468772.html