Xuất khẩu của các nước Đông Nam Á 'lĩnh đòn' vì chiến tranh thương mại

Các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á vốn phụ thuộc thương mại, đang chịu tổn thương do các tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

 Chiến tranh thương mại sẽ khiến xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc suy giảm ở các mặt hàng như cao su, hạt nhựa, hóa chất, các sản phẩm bột sắn, ô tô và linh kiện ô tô. Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ giảm như máy tính và linh kiện máy tính, hàng may mặc và dệt may, máy móc và linh kiện. Ảnh: Bangkok Post

Chiến tranh thương mại sẽ khiến xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc suy giảm ở các mặt hàng như cao su, hạt nhựa, hóa chất, các sản phẩm bột sắn, ô tô và linh kiện ô tô. Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ giảm như máy tính và linh kiện máy tính, hàng may mặc và dệt may, máy móc và linh kiện. Ảnh: Bangkok Post

Hôm 17-5, Cơ quan Doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) thuộc Bộ Công thương Singapore cho biết trong tháng 4-2019, giá trị xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của Singapore giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nối dài đà giảm 11,7% vào tháng trước. Xuất khẩu suy giảm ở mức hai con số trong hai tháng liên tục là một dấu hiệu cho thấy các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Singapore.

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu của Đảo quốc sư tử sẽ không phục hồi sớm khi nhu cầu hàng điện tử, dược phẩm và các mặt hàng quan trọng khác, chiếm phần lớn trong danh mục hàng xuất khẩu phi dầu mỏ, đang suy giảm ở nhiều thị trường.

Theo dữ liệu của Enterprise Singapore, trong tháng 4, xuất khẩu hàng điện tử của Singapore giảm 16,3% và mức giảm này ở linh kiện bán dẫn là hơn 50%. Trong khi đó, xuất khẩu dược phẩm cũng giảm đến 46,6% so với cùng kì năm ngoái.

“Singapore là một trong những nền kinh tế tuyến đầu của châu Á đang đối mặt với tác động tiêu cực từ các căng thẳng thương mại leo thang gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi các căng thẳng này chuyển sang một tầng nấc mới với các hàng rào thuế cao hơn và nhiều hơn, mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn”, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính ING Asia Pacific, viết trong một báo cáo.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Singapore trì hoãn các kế hoạch mở rộng kinh doanh khi chứng kiến các khách hàng Trung Quốc giảm đơn hàng.

Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết tăng trưởng GDP của Malaysia trong quí 1-2019 đạt 4,5%, chậm hơn mức tăng tưởng 4,7% của quí 4-2018. Đáng chú ý, giữa lúc cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung leo thang, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Malaysia chỉ tăng trưởng 0,1% trong quí vừa qua, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 3,1% của quí cuối năm 2018.

Nhà kinh tế Alex Holmes ở tổ chức tư vấn Capital Economics (Anh) nhận định tăng trưởng của Malaysia có khả năng tiếp tục chậm lại trong những quí tới.

Ông nói: “Diễn biến leo thang gần đây trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là một cản lực khác đối với kinh tế Malaysia. Chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn và điều này sẽ gây áp lực cho nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Malayasia”.

Nền kinh tế Malaysia phụ thuộc lớn vào thương mại với hai thị trường Mỹ và Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia.

Trong khi đó, nền kinh tế Thái Lan dựa vào xuất khẩu như là động lực tăng trưởng chính, vì vậy, cũng không thoát khỏi sức tàn phá của cơn bão chiến tranh thương mại. Trong quí 1-2019, xuất khẩu của Thái Lan suy giảm 1,6% so với cùng kì năm ngoái.

Hôm 14-5, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết xuất khẩu nước này có thể mất mát từ 5,6 - 6,7 tỉ đô la trong năm nay do mức thuế cao hơn của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Giống như các nền kinh tế chú trọng xuất khẩu khác ở châu Á, Thái Lan bị mắc kẹt trong “làn đạn” chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan.

Cuộc chiến này đã gây tổn thương cho các công ty ở Thái Lan và các nước thứ ba khác, đang là những mắt xích trong các chuỗi cung ứng phục vụ các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế ở Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết nghiên cứu mới nhất của trung tâm này dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan chỉ đạt mức 0,5-1% trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo lạc quan 3% được đưa ra hồi tháng 2-2019. Năm ngoái, xuất khẩu của xứ sở chùa Vàng tăng trưởng 6,7%, lên mức 252 tỉ đô la.

Theo ông Pisanwanich, một trong lý do khiến xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng ảm đạm là cuộc chiến thuế đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi dự báo mức thuế mới tăng của Mỹ nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá trị xuất khẩu của Thái Lan giảm 1,8%, tương đương 2,36 tỉ đô la trong 6 tháng tới”. Ông cảnh báo trong viễn cảnh tồi tệ nhất, nếu Mỹ quyết định áp thuế 25% với hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chưa biết áp thuế, tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan có thể chỉ tăng trưởng 0,5%, thậm chí rơi về mức 0 trong năm nay.

Ông lưu ý nếu Mỹ quyết định như vậy, Trung Quốc có thể giảm mạnh giá đồng nhân dân tệ để chống chọi với các tác động của cuộc chiến thuế. Điều này sẽ khiến hàng hóa giá rẻ hơn của Trung Quốc tràn ngập các thị trường Đông Nam Á bao gồm Thái Lan đồng thời sẽ dẫn đến làn sóng di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Ông kêu gọi chính phủ Thái Lan phải tiếp tục giám sát lĩnh vực nông nghiệp vì hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp như đậu nành, cao su và dầu cọ có thể bị tác động nặng nề hơn nếu chiến tranh thương mại leo thang.

Cảng container ở Bắc Jakarta, Indonesia. Trong 4-2019, thâm hụt thương mại của Indonesia leo lên mức kỷ lục 2,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Antara

Pimchanok Vonkorpon, Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết theo đánh giá sơ bộ, các mức thuế cao hơn mà Mỹ và Trung Quốc áp vào hàng hóa của nhau sẽ khiến hoạt động xuất khẩu một số sản phẩm của Thái Lan chịu áp lực suy giảm, đặc biệt là các sản phẩm điện tử và ô tô.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng đang “lĩnh đòn” vì chiến tranh thương mại. Hôm 15-5, Cơ quan Thống kê Indonesia cho biết trong tháng 4-2019, thâm hụt thương mại của Indonesia leo lên 2,5 tỉ đô la Mỹ, mức kỷ lục kể từ khi Indonesia bắt đầu theo dõi số liệu xuất nhập khẩu kể từ cuối thập niên 1950.

Trong tháng trước, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Indonesia giảm 13,1% so với cùng kì năm ngoái, trong khi đó, giá trị nhập khẩu giảm 6,6%.

Bộ trường Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, nói: “Điều này không phải là một thách thức dễ dàng đối với chúng tôi”. Bà giải thích xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Indonesia đều giảm sâu trong tháng 4 vì cuộc chiến thương mại. Bà nói rằng với tình hình xuất khẩu ảm đạm, Indonesia khó có khả năng dựa vào xuất khẩu như một cỗ máy tăng trưởng.

Indonesia là nước xuất khẩu lớn ở các mặt hàng như than đá và dầu cọ nhưng giá của chúng đang suy giảm trước các lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Các nhà phân tích ở công ty chứng khoán Bahana Sekuritas, Jakarta, nhận định xuất khẩu Indonesia có thể tổn thương lớn hơn khi cuộc chiến thuế Mỹ - Trung leo thang. Trung Quốc và Mỹ và hai thị trường xuất khẩu lớn của Indonesia ở các mặt hàng như than đá, cao su và các sản phẩm lâm nghiệp.

Theo Nikkei Asian Review, NTT, Bangkok Post

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288974/xuat-khau-cua-cac-nuoc-dong-nam-a-linh-don-vi-chien-tranh-thuong-mai.html