Xuất khẩu có kịp bứt tốc cuối năm?

Liệu các doanh nghiệp có tận dụng được thời gian 3 tháng cuối năm để tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu, bù đắp sự suy giảm vì tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trước đó.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT hồ hởi cho biết, một tập đoàn lớn của Nga vừa ký hợp đồng "khổng lồ" nhập khẩu 300.000 tấn cá tra từ Việt Nam. Đây là tin vui cực lớn đối với ngành cá tra trong những ngày khó khăn.

Tín hiệu "sáng" dần

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra trongtháng 7 đãtăng 30% so với cùng kỳ năm trước, tháng 8 tăng 15%, tháng 9 tiếp tục tăng. Giá cá tra trong nước hiện đã tăng lên 19.000 - 20.000 đồng/kg.

Xuất khẩu cá tra 'sáng cửa' trong 3 thángcuối năm.

Xuất khẩu cá tra 'sáng cửa' trong 3 thángcuối năm.

Không chỉ cá tra, tôm năm nay có sản lượng lớn, xuất khẩu được giá cao. Các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh xuất khẩu và hứa hẹn đạt con số tăng trưởng kỷ lục.

Tương tự, trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành gỗ kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ được kiểm soát tốt hơn. Thêm vào đó, các DN cũng kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng từ các nước thành viên EU trong thời gian tới.Với tốc độ tăng trưởng 12-15%, nếu không có gì đặc biệt, ngành gỗ sẽ cán đích xuất khẩu 13 tỷ USD trong năm 2020.

"DN Việt Nam rất giỏi, đến nay xuất nông sản tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, được thị trường lớn là châu Âu đánh giá cao. Bộ NN&PTNT cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo chinh phục bất kỳ thị trường nào", ông Tiến khẳng định.

Không được thuận lợi như ngành nông nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm naycó khả năng chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019.

Theo đại diện VITAS, đầu quý I, dịch COVID-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, khiến DN có đơn hàng nhưng không có nguyên liệu sản xuất.Từ cuối tháng 3 trở đi, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới các thị trường trọng điểm của dệt may là EU và Mỹ, khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, DN Việt Nam lại rơi vào tình cảnh "ăn đong đơn hàng".

Kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II giảm sâu tới 27%, quý III bắt đầu khá hơn một chút. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới chỉ đạt 25,7 tỷ USD, giảm hơn 11%.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 chỉ còn 600 - 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với năm 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại, các DN đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu đang chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Tương tự, đầu ra của ngành da giày cũng tiếp tục gặp khó bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.

Nỗ lực giành từng đơn hàng

Khó khăn rất lớn, nhưng ông Cẩm cho biết, các DN dệt may vẫn kỳ vọng xuất khẩu sẽ đổi chiều trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để biến kỳ vọng thành hiện thực, các hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam cần là cầu nối khai thác tốt thị trường; đồng thời các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN về nguyên phụ liệu.

Đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2020đạt 9.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu, ông Phạm Hoàng Việt, Phó Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ, DN sẽ phải nỗ lực rất nhiều, trong đó đặc biệt chú trọng tìm hiểu các tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm và tiêu chuẩn về nhà xưởng.

"Với mỗi sản phẩm, DN cần đáp ứng những tiêu chuẩn riêng chứng nhận chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe và môi trường. Đơn cử, để được thị trường Mỹ đón nhận, sản phẩm AnEco, AnBio của DN phải đạt được những chứng chỉ khắt khe như BPI Compostable (về khả năng phân hủy), Food Contact (chứng nhận an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm)... Ngoài ra, còn các yêu cầu về tiêu chuẩn nhà xưởng", ông Việt cho biết.

Là người tham gia đàm phán các FTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) kể: "Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, một doanh nghiệp có đến hỏi tôi: "Chúng tôi đã chuyển từ kinh doanh bất động sản sang làm hoạt động thương mại, vì vậy muốn xin lời khuyên là mua nguyên liệu từ đâu, tổ chức xuất khẩu sang EU thế nào?". Tuy nhiên, với một người đàm phán như tôi không thể biết được và cũng không thể trả lời chính xác".

"Nhiều khi vợ tôi cứ nói vui rằng "Anh hiểu rõ cơ hội từ các FTA, sao không bảo để nhà mình đầu tư". Tuy nhiên, nói thật là chúng tôi chỉ là người làm chính sách, không thể biết được tường tận từng cơ hội bằng chính DN đã và đang làm.Để sản phẩm xuất khẩu khẳng định được thương hiệu thì DN phải vào cuộc, "chiến đấu" giành từng đơn hàng", ông Thái chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, bạn hàng, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản, hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của DN Việt thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.

Theo Lê Thúy/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xuat-khau-co-kip-but-toc-cuoi-nam/20201008101941466