Xuất khẩu chanh leo sẽ tăng 30%: Kỳ vọng vào cây trồng mới

Là một 'tân binh' trong ngành xuất khẩu rau quả nhưng trái chanh leo (chanh dây) đang được khá nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển. Việc xuất khẩu sản phẩm này cũng đang rất được doanh nghiệp kỳ vọng.

“Rầm rộ” trồng chanh leo

Ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP Nafoods - cho biết, thị trường chanh leo hiện còn dư địa rất lớn, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo ông Thái, các sản phẩm chanh leo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo… Nhu cầu sử dụng tăng bình quân 30%/năm.

Trồng và sơ chế chanh dây xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: T.H

Trồng và sơ chế chanh dây xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: T.H

Gần đây nhất, DN này đã xuất khẩu lô chanh leo đầu tiên sang Pháp, mở thêm triển vọng thị trường cho sản phẩm này khi các đối thủ cạnh tranh từ Ecuado và Peru dự báo ngày càng giảm do ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El Nino.

Đại diện Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cũng cho biết, diện tích chanh leo của HNG tính đến cuối năm 2017 đạt 1.270ha. Mặc dù đã chuyển đổi một số diện tích chanh dây sang cây khác như ớt hoặc xoài…, nhưng theo kế hoạch của DN này, dự kiến trồng mới khoảng 300 - 500ha vào cuối tháng 3.2018 ở khu vực Paksong.

Sở NNPTNT tỉnh Sơn La thông tin, cây chanh leo được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ giữa năm 2015. Đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn tỉnh là 523ha, sản lượng ước đạt 3.165 tấn. Dự kiến, năm 2018 tỉnh xuất khẩu khoảng 500 tấn chanh leo sang Trung Quốc. Số lượng này sẽ tăng lên 550 tấn năm 2019 và khoảng 600 tấn vào năm 2020.

Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, giữa tháng 5.2016, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Nafoods Group đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh leo gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh với diện tích 3.000ha, trong đó sản xuất nông hộ 1.300ha và 1.700ha sản xuất tập trung.

UBND tỉnh này cũng đã phê duyệt 3 dự án thúc đẩy phát triển chanh leo, gồm dự án xây dựng Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao, Nhà máy phân tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu và dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, riêng tỉnh Gia Lai đã có vùng nguyên liệu chanh leo đạt diện tích gần 3.000ha, mật độ trồng từ 600 – 1.000 cây/ha, năng suất trung bình 439,7 tạ/ha, tổng sản lượng đạt hơn 97.400 tấn.

Riêng Công ty CP Nafoods Group đã trồng tại huyện Chư Sê 70ha, huyện Chư Prong 30ha, đạt năng suất 400-500 tạ/ha. Sản lượng thu mua năm 2016 đạt khoảng 11.000 tấn quả tươi và tăng lên hơn 22.000 tấn trong năm 2017.

Cẩn trọng với cây trồng mới

Dù được kỳ vọng nhưng nền tảng phát triển sản phẩm chanh leo hiện tại được cho là chưa ổn định khi thị trường xuất khẩu bấp bênh, cây giống phải nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, cây trồng nhiều bệnh hại…

Theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, giá cả chanh leo những năm qua không ổn định, chủ yếu bán cho tư thương hoặc vận chuyển đưa đi tiêu thụ ở Bình Định. Phần lớn chanh leo của tỉnh chưa qua chế biến, sức cạnh tranh chưa cao, hiệu quả còn thấp. Đầu năm 2017, giá chanh trên địa bàn dao động từ 14.000 – 47.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, hiện nay giá chanh dây quả đã giảm xuống còn khoảng 10.000 – 18.000 đồng/kg.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cây chanh dây ở Tây Nguyên đang phát triển khá tốt. Người trồng đặt mục tiêu đạt 80 tấn/ha, không dừng ở 60 – 70 tấn/ha như trước nữa. Tuy nhiên, việc trồng cho năng suất cao kèm theo việc sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học… với liều lượng cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất sau này.

Còn theo đại diện HNG, chanh dây chưa nằm trong danh mục có HS code, nên chỉ có thể xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên, do loại trái này đòi hỏi thời gian vận chuyển tính từ khi rời khỏi vườn phải dưới 10 ngày, do vậy dù sau này có HS code, nhiều khả năng xuất tiểu ngạch như hiện tại vẫn có lợi hơn, vì không thể đi đường biển, tốn quá nhiều thời gian.

Hơn nữa, định hướng của DN này là chủ yếu khai thác phân khúc nông sản tươi (fresh), do đó ngoài sản phẩm chanh dây múc ruột đông lạnh IQF, thì không có sản phẩm theo cách chế biến, bảo quản nào khác. “Trong chuỗi giá trị của sản phẩm trái cây (fruit), phân khúc tươi vẫn có giá trị và biên lợi nhuận cao nhất. Hiện tại các sản phẩm của HAGL đều đang ở tình trạng sản xuất không đủ cung cấp cho nhu cầu của các khách hàng” - đại diện HNG giải thích thêm.

Gia Lai nhập khẩu hàng triệu cây giống chanh dây

Sở NNPTNT Gia Lai thống kê, có gần 3,4 triệu cây giống chanh dây được nhập khẩu và ghép tại Việt Nam trồng tại tỉnh từ 2016 đến nay. Trong đó, hơn 2,8 triệu cây giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan… Số còn lại do Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu và Công ty Nafoods, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Tây Nguyên ghép.

Thuận Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/xuat-khau-chanh-leo-se-tang-30-ky-vong-vao-cay-trong-moi-838774.html