Xuất khẩu cá tra vẫn cậy 'gã khổng lồ'... Trung Quốc

Vượt thách thức về thuế chống bán phá giá cao nhất trong hơn 15 năm qua, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã lấy lại đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường có ý nghĩa tạo đột phá cho ngành hàng này trong những tháng đầu năm 2018.

Tăng trưởng xuất khẩu cá tra vẫn cậy "gã khổng lồ"... Trung Quốc. Trong ảnh là công nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Đầu năm nay, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lần cuối cùng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13- POR13 (giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016) với mức thuế cao nhất trong hơn 15 năm qua, có doanh nghiệp chịu mức thuế lên đến 7,74 đô la Mỹ/kg, thì một số dự báo được đưa ra cho rằng xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ rất khó khăn.

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) thừa nhận, cá tra philê xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ phải chịu mức thuế cao trong hơn 15 năm qua.

“Từ năm 2001, mức thuế Mỹ áp cho chúng ta chỉ mấy chục phần trăm (%), nhưng năm nay (POR13) doanh nghiệp bị cao nhất đến 7,74 đô la/kg và các doanh nghiệp chịu thuế bình quân (có tham gia vụ kiện) là 3,84 đô la/kg, cao bằng giá bán”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên theo ông, Việt Nam vẫn có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế xuất khẩu cá tra tốt vào thị trường Mỹ, đó là Công ty thủy sản Biển Đông (0,19 đô la/kg) và Vĩnh Hoàn (miễn thuế). Điều này, đã giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ lấy lại đà tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2018.

Thực tế, chỉ riêng Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, đơn vị được mệnh danh "vua" cá tra, báo cáo quan hệ nhà đầu tư (IR- Investor Relations) của đơn vị này cho thấy, lũy kế doanh thu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 163 triệu đô la. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 64%, tương đương chiếm trên 104 triệu đô la, tức chiếm khoảng 71% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam vào Mỹ là 146 triệu đô la (tính trong 5 tháng đầu năm 2018).

Còn số liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh thị trường này áp thuế cao đối với loại thủy sản này của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu thống kê toàn ngành, thì Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng của ngành hàng này trong những tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, trong tổng số 797 triệu đô la kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2018, tăng 19,4% so với cùng kỳ, thì Trung Quốc - Hồng Kông dẫn đầu với kim ngạch đạt trên 203 triệu đô la, tăng 46,8% so với cùng kỳ và chiếm đến 25,5% tỷ trọng toàn ngành trong khoảng thời gian này.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác như ASEAN, Mexico, Colombia và UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) cũng góp phần tạo sự tăng trưởng của ngành cá tra trong 5 tháng đầu năm 2018 khi lần lượt đạt mức tăng trưởng 37,2%, 3,1%, 5% và 127% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, để duy trì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc - Hồng Kông trong thời gian tới, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) đề xuất, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, trước những quan ngại về chất lượng cá tra xuất khẩu, mà cụ thể là với thị trường Trung Quốc, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có ý kiến gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề nghị kiểm soát chặt chẽ chất lượng cá tra, nhất là với sản phẩm đi đường “ngách”.

Ngoài ra, VASEP cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên chủ động tuân thủ chặt việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng chứng thư thủy sản xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản xuất khẩu nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm cả sản phẩm cá tra, basa.

Trước đó, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, Trung Quốc là thị trường rất lớn trong tiêu thụ cá tra. Nhưng, nếu không quản lý chặt về chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này, thì rất có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai.

“Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa” bà giải thích và đề xuất cần có chiến lược dài hạn trong phát triển thị trường này thông qua lấy chất lượng làm trọng tâm phát triển như đã áp dụng với các thị trường cao cấp như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275715/xuat-khau-ca-tra-van-cay-ga-khong-lo-trung-quoc-.html