Xuất khẩu cá tra: Giá chót vót nhưng không còn 'độc tôn'

Tình hình nuôi trồng, XK cá tra từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều kết quả tích cực, dự kiến giá cá tra sẽ duy trì cao đến hết năm. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là cá tra Việt Nam đã không còn duy trì được thế 'độc tôn' trên thị trường quốc tế, ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Dự kiến, XK cá tra cả năm nay sẽ đạt 2 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Giá cao kỷ lục

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm nay, tình hình nuôi cá tra gặp nhiều thuận lợi do giá bán luôn ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 9 tháng đầu năm ước đạt 992,7 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp sản lượng đạt 319,9 nghìn tấn, tăng 4,5%; An Giang sản lượng đạt 262 nghìn tấn, tăng 22,3%; Bến Tre sản lượng 157 nghìn tấn, tăng 12,5%...

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, vượt qua những khó khăn như sự khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường NK, hoạt động sản xuất, XK cá tra vẫn phát triển tốt với giá cá giống, giá cá nguyên liệu liên tục duy trì ở mức cao. Cụ thể, ngay trong tháng 9 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng tăng so với tháng trước đó. Mức giá trung bình trong khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg (cá loại I, 700 - 900g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Bộ NN&PTNT lý giải, giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung cá giống khan hiếm. Bên cạnh đó, trữ lượng cá nguyên liệu đang ở mức khá thấp, trong khi nhu cầu thu mua cá nguyên liệu sản xuất cho XK sang thị trường Hoa Kỳ và EU tăng, đặc biệt là cá tra có kích thước nhỏ.

Đánh giá về tình hình sản xuất, XK cá tra từ đầu năm đến nay, nhất là về mức giá cá tra nguyên liệu, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: Đây là mức giá cao kỷ lục trong hàng chục năm qua. "9 tháng đầu năm, XK cá tra đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nhu cầu từ EU và Hoa Kỳ tăng mạnh, thị trường Trung Quốc cũng đang tăng cường NK cá tra của Việt Nam. Nếu như trước kia, Trung Quốc chỉ NK cá tra loại 1kg/con trở lên thì thời gian gần đây, thị trường này NK cả loại cá tra 700 - 800 g/con", ông Quốc phân tích.

Cạnh tranh ngày càng tăng

Bộ NN&PTNT dự báo: Với tình hình hiện tại, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu XK trong quý IV sẽ hạn chế. Giá cá tra XK sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài đến hết năm 2018. Đưa ra con số đong đếm cụ thể hơn, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định, cả năm nay, kim ngạch XK cá tra có thể đạt ngưỡng kỷ lục 2 tỷ USD, cao hơn 200 triệu USD so với năm 2017.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có thể khẳng định, năm nay XK cá tra đã thu về không ít "trái ngọt". Tuy nhiên, xem xét rộng dài trong câu chuyện sản xuất, XK mặt hàng này, điểm bất ổn nổi cộm dễ thấy là cá tra Việt Nam đã không còn giữ được thế "độc tôn" trên thị trường như trước. Do là loài thủy sản dễ nuôi, thời gian gần đây một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển cá tra. Điều này tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho cá tra Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đào Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phân tích: Dù hiện nay Việt Nam đang chiếm 60-70% thị phần cá tra XK, song một số nước như Baladesh, Ấn Độ cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường XK cá tra. Ngoài ra, thông tin từ Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTTN) cho thấy: Mặc dù Trung Quốc vẫn đang là một trong những khách hàng tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam nhiều nhất nhưng quốc gia này đang có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra rất tiềm năng cho thế giới. Đây cũng là một rào cản lớn cho ngành cá tra về sau. "Bộ NN&PTNT coi cá tra là sản phẩm quốc gia và đã có chính sách đặc thù riêng để phát triển mặt hàng này. Trong đó, Bộ NN&PTNT có nội dung phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới", ông Hiếu nói.

Đứng trước áp lực cạnh tranh, song ông Dương Nghĩa Quốc lại đưa ra cái nhìn có phần lạc quan. Đó là, so với các nước khác, Việt Nam có lợi thế địa lý và tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi cá tra nên tốc độ tăng trưởng sản lượng cao hơn. Dù vậy, ông Quốc cũng khẳng định: Ngành cá tra Việt Nam không thể chủ quan, phải tăng cường sản xuất, quản lý cá tra theo chuỗi, đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cá tra Việt Nam cần làm tốt hơn nữa khâu xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đánh giá để phát triển bền vững ngành cá tra, còn rất nhiều việc phải làm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến cho tới XK; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường XK...

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-ca-tra-gia-chot-vot-nhung-khong-con-doc-ton.aspx