Xuất khẩu cá tra dần phục hồi

Sau đợt giảm sâu và kéo dài kỷ lục, giá cá tra trong nước đã tăng trở lại, tình hình xuất khẩu cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục của ngành cá tra sau thời gian dài ảm đạm.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL ẢNH: CẢNH KỲ

Nuôi cá tra ở ĐBSCL ẢNH: CẢNH KỲ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL gần đây đã tăng. Nếu như từ năm 2019 đến tháng 9 năm nay, giá chỉ quanh quẩn ở mức 16.000-18.000 đồng/kg (trong khi giá thành sản xuất hơn 21.000 đồng/kg) thì sang đầu tháng 10 đã tăng lên khoảng 20.000 đồng/kg và hiện từ 21.000-23.000 đồng/kg.

Không chỉ cá tra nguyên liệu, giá cá tra giống cũng tăng do nguồn cung đang thiếu. Với mức giá hiện khoảng từ 25.000 đồng/kg và thậm chí cao hơn, người nuôi đã lãi từ 5.000 đồng/kg trở lên sau thời gian dài chờ đợi. Vừa bán ao cá giống, bà Đào Thúy Phượng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết, đợt này cá được bán đúng lứa và có lãi, không như hơn một năm qua, giá quá thấp nên phải "ngâm" cá cả năm trời, trong khi cá giống từ khi thả nuôi đến khi bán thường chỉ 3 tháng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ong Hàng Văn - Phó TGĐ Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết, thời tiết bất lợi nên việc thả cá giống gặp khó khăn, bị hao hụt nhiều, nguy cơ mấy tháng tới sẽ thiếu hụt nguồn cung này. Về tình hình kinh doanh, theo ông Văn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều tháng đầu năm nay, nhà máy thường chỉ xuất khẩu (XK) được khoảng 50% sản lượng so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2019, bình quân doanh nghiệp này XK khoảng 4.000-4.500 tấn/tháng, nhưng những tháng đầu năm 2020 chỉ XK khoảng 2.000 tấn/tháng. Từ tháng 8, lượng cá xuất khẩu của Công ty CP Thủy sản Trường Giang tăng lên khoảng 2.500 tấn, tháng 9 lên 3.000 tấn và tháng 10 ước khoảng hơn 4.000 tấn. “Trung Quốc và các nước khác họ đã mua hàng lại nhiều hơn, nói chung tình hình đang dần dần phục hồi” - ông Văn nói.

Đại diện một DN XK cá tra khác cũng xác nhận, tình hình đã khởi sắc trở lại, sức mua của thị trường tăng so với những tháng trước đó. Lý do được cho là dịch COVID-19 đã ổn định hơn (như ở Trung Quốc), bên cạnh đó nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm thường tăng cao nên các nhà nhập khẩu mua hàng nhiều hơn.

Ðiểm sáng thị trường Anh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm, XK cá tra trầm lắng theo COVID-19 khi giá trị XK sang nhiều thị trường lớn chìm trong mức tăng trưởng âm. Đây là đợt giảm kỷ lục của ngành cá tra và là mặt hàng giảm sâu nhất trong các sản phẩm thủy sản XK. 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK cá tra đạt 1 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng cá tra XK sang 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ và ASEAN đều giảm ở mức hai con số.

Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai thị trường XK lớn nhất, chiếm 50% tổng giá trị XK cá tra sang 133 thị trường, trong đó riêng Trung Quốc chiếm đến hơn 30% tổng XK cá tra Việt Nam. Còn XK cá tra sang EU thì bấp bênh và nhiều tháng giảm sút, 9 tháng đầu năm nay giảm gần 34% và dự báo tới cuối năm vẫn tiếp tục giảm.

Điểm sáng nổi bật trong bức tranh ảm đạm của ngành cá tra là XK sang thị trường sang Anh. Tháng 9/2020, giá trị XK cá tra sang Anh tăng hơn 68%; tính đến quý III/2020, XK sang thị trường này đạt hơn 30,7 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường có mức tăng trưởng dương khả quan nhất trong top 10 thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Theo VASEP, thị trường đang có xu hướng tích cực dần, tuy nhiên, cả người nuôi và doanh nghiệp XK cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá nguyên liệu.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/xuat-khau-ca-tra-dan-phuc-hoi-1743904.tpo