Xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2021

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường XK cà phê sẽ cải thiện

Xuất khẩu cà phê tháng 12/2020 giảm mạnh về lượng và trị giá so với cùng kỳ. Thị phần cà phê Việt giảm trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha. Cuối năm 2020, giá cà phê Robusta thế giới giảm. Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ cà phê, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu. Đại dịch COVID-19 cũng cản trở doanh số bán cà phê tại các cửa hàng trên thế giới. Cuối tháng 12/2020, giá cà phê trong nước giảm. Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 12/2020 đạt 85 nghìn tấn, trị giá 170 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 11/2020, nhưng giảm 54,7% về lượng và giảm 48% về trị giá so với tháng 12/2019.

Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,22 triệu tấn, trị giá 1,82 tỷ USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường chính giảm, như: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ, Thái Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính khác tăng, như: Ý, Nhật Bản, Angeri, Philippines.

Giá cà phê thường bị tác động nhiều bởi những lo ngại về nguồn cung, khi đó có thể dẫn tới những biến động mạnh và tạo cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư. Cà phê được trồng ở hơn 50 quốc gia, nhưng sản xuất quy mô lớn chỉ tập trung ở một số quốc gia, nơi các biến động thời tiết và địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung. Thị trường cà phê cũng có thể chịu tác động bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tiêu thụ tăng ở một số nền kinh tế mới nổi thuộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ latinh khi các nền kinh tế đó phát triển, và ở các nước phát triển khi thu nhập khả dụng tăng lên.

Trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn thế giới đã sụt giảm mạnh do bị phong tỏa toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù vậy, sản lượng cà phê trên toàn cầu phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Mặt hàng cà phê xuất khẩu có giảm về sản lượng về giá nhưng vẫn nằm trong 5 mặt hàng nông sản chủ lực tỷ USD.

Xuất khẩu sẽ cải thiện trong năm 2021

Các thị trường NK cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Cùng với đó, thông tin thử nghiệm vắc xin sẽ thúc đẩy lượng XK tăng lên. Dự báo, XK cà phê sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm 2021.

Ở góc độ giá cả, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho rằng, với việc sản lượng cà phê toàn cầu và Việt Nam đang có xu hướng giảm như hiện nay, giá cà phê có thể tăng trong năm 2021. Thị trường cà phê đã trải qua chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp. Do đó, giá cà phê sẽ phục hồi trong năm 2021 nhờ sản lượng giảm. Dù vậy, ông Lương Văn Tự cũng nhấn mạnh: “Việc giá cà phê phục hồi hay không sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Đây là ngành tiêu thụ cà phê rất lớn, do đó, chừng nào ngành du lịch phục hồi thì cà phê cũng sẽ phục hồi theo".

Nhà phân tích Jack Scoville của công ty nghiên cứu Price Futures Group cho biết: "Nhu cầu từ các cửa hàng cà phê và các hoạt động dịch vụ ăn uống khác vẫn ở mức rất thấp do người tiêu dùng vẫn đang uống cà phê tại nhà. Các kết quả thăm dò cho thấy người tiêu dùng ở nhà đang tiêu thụ các loại cà phê pha trộn với nhiều Robusta hơn và ít Arabica hơn". Xu hướng như vậy cho thấy giá Robusta trong những tháng tới sẽ khả quan hơn so với Arabica.

Các nhà phân tích của ngân hàng Hà Lan ABN Amro cũng đưa ra dự báo giá cà phê của riêng họ: "Thời tiết khô hạn ở Brazil là mối lo ngại đối với thị trường cà phê. Rất có thể sản lượng của Brazil trong niên vụ 2021 sẽ giảm. Tiêu thụ cà phê ở hàng quán giảm sút do đại dịch Covid-19. Áp lực này sẽ tiếp tục với các biện pháp kiểm dịch mới trên toàn cầu. Giá sẽ vẫn tương đối yếu. "

Liên quan tới XK cà phê năm nay, một trong những yếu tố thuận lợi có thể nhìn thấy là tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để thúc đẩy XK. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Dù vậy, việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU để hưởng thuế ưu đãi từ EVFTA không đơn giản, cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực của DN. Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà NK EU yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; đồng thời đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản các sản phẩm cà phê. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.

Nguyễn Dung

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xuat-khau-ca-phe-duoc-du-bao-se-tang-truong-trong-nam-2021-26980.html