Xuất hiện website mua bán đồ điện tử bằng Pi tại Việt Nam

Theo chia sẻ của luật sư, người mua bán, trao đổi hàng hóa bằng đồng Pi nói riêng và tiền điện tử tại Việt Nam là phạm pháp.

Cơn sốt giá Bitcoin đầu 2021 kéo theo tâm lý đầu tư vào tiền điện tử lên cao. Bên cạnh những dự án rõ ràng về lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đang tham gia vào một mạng lưới gọi là "Pi Network".

Một trang thương mại sử dụng đồng Pi có tên Pi******.vn được thành lập để người sở hữu đồng tiền này thanh toán, mua bán và trao đổi hàng hóa.

Trang thương mại sử dụng đồng Pi có tên Pi******.vn không có tổ chức pháp lý đứng đằng sau. Ảnh: Chụp màn hình.

Trang thương mại sử dụng đồng Pi có tên Pi******.vn không có tổ chức pháp lý đứng đằng sau. Ảnh: Chụp màn hình.

Danh mục hàng hóa được niêm yết trên trang trải dài từ các sản phẩm điện tử, thời trang cho đến thực phẩm, dịch vụ...

Dựa theo một hợp đồng mua bán đã thực hiện, trang này định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng. Người mua có thể lựa chọn các tỉ lệ trao đổi gồm: 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VNĐ, 40% Pi + 60% VNĐ hoặc 30% Pi +70% VNĐ. Tuy nhiên, do Pi chưa được lên sàn, những định giá này đều là tự phát.

Không có tổ chức pháp lý đứng sau

Tại phần giới thiệu, trang này tự nhận là nơi "trung gian cung cấp thông tin cho các bên có nhu cầu trao đổi hàng hóa bằng đồng tiền điện tử Pi Network".

Ngoài ra, Pi******.vn cho biết nó thuộc sở hữu và vận hành bởi "Tập thể những người tiên phong tại Việt Nam". Đây là cách gọi các "nhà đầu tư" Pi. Ngoài ra, trang web này không thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức cụ thể nào.

Về cách giao dịch, trang này khuyến nghị các bên nên thực hiện trực tiếp. Ngoài ra, còn có các hình thức trung gian qua một tài khoản Pi hoặc theo cách gián tiếp, người mua tự liên hệ với bên bán để xác nhận thông tin, tình trạng sản phẩm cũng như thỏa thuận phương thức thanh toán, phí giao hàng.

"Hai bên tự đồng thuận cho việc xem, dùng thử hàng hóa... Đối với những sản phẩm có giá trị cao phải thanh toán lượng lớn Pi, cách thức này sẽ xảy ra một số rủi ro nhất định", Pi******.vn cho biết.

Hiện đồng Pi chưa được định giá trên bất cứ sàn giao dịch chính thống nào.

Tuy nhiên, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, việc trao đổi, mua bán bằng các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ là hành vi trái pháp luật.

"Theo Khoản 6, Điều 4, Nghị định 101/2012, Luật sửa đổi bổ sung Nghị định 80/2016, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được thừa nhận hợp pháp mới có quyền sử dụng", ông Tuấn cho biết.

Cụ thể, ngoài tiền mặt, chỉ có séc, ủy nhiệm chi, lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác như hối phiếu, lệnh phiếu… theo quy định của nhà nước mới được phép sử dụng.

"Theo Khoản 7, Điều 4, các phương tiện thanh toán không thuộc quy định Khoản 6, Điều 4, Nghị định 101/2012 đều là bất hợp pháp", ông nói thêm.

Việc áp dụng các khung pháp lý đối với Pi còn tùy thuộc vào việc đây có phải là đồng mã hóa thực sự hay không. "Tuy vậy, đồng Pi không có trong danh mục cho phép nói trên. Do đó, việc dùng nó để trao đổi, mua bán hàng hóa là hành vi bị cấm", luật sư khẳng định.

Với trường hợp trang mua bán Pi******.vn, luật sư Tuấn cho rằng trang này "đã có các hành vi tổ chức giao dịch bằng đồng mã hóa. Vì vậy, cả người lập lẫn bên mua bán hàng đều đang vi phạm pháp luật".

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) lại cho rằng tiền điện tử được xem là một mặt hàng. "Chỉ cần người dùng không niêm yết giá sản phẩm bằng tiền điện tử, họ hoàn toàn không phạm pháp", ông Thơm cho biết.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Tùy tính chất của hành vi vi phạm pháp luật có thể xâm phạm vào các điều khoản khác nhau. "Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp thay cho tiền mặt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 200 triệu đồng", ông nói.

Các biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng là không cho mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động trong thời gian giải quyết; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

Sự mở rộng trong phạm vi áp dụng khung hình phạt ra khỏi lĩnh vực ngân hàng khiến người vi phạm có thể chịu trách nhiệm hình sự.

"Bất kỳ người nào, không nhất thiết phải hoạt động trong tổ chức ngân hàng hay tín dụng, nếu có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán bị cấm có thể chịu hình phạt nhẹ nhất từ 50-300 triệu đồng, phạt tù từ 6-36 tháng, nặng nhất là từ 12-20 năm.

Hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại tài sản cho người khác từ 100 triệu đồng trở lên, bên cạnh việc dựa trên các thiệt hại khác", đại diện Phan Law cho hay.

Người mua bán, trao đổi đồng Pi có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Ảnh: MK.

Tuy vậy trước đây, ngân hàng nhà nước nhiều lần khẳng định tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum nói chung không phải là tiền tệ hay phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền mã hóa nói chung làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cảnh báo nhiều lần việc đầu tư vào tiền mã hóa tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Với người tham gia Pi, họ phải cung cấp định danh cá nhân, một số giấy tờ để xác minh với Pi Network. Bên cạnh đó, họ còn có xu hướng rủ rê người khác vào hệ thống để được "tăng tốc" đào Pi. Một số chuyên gia và tạp chí có tiếng về tiền kỹ thuật số không ủng hộ mô hình này.

Đại Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giao-dich-pi-tai-viet-nam-la-pham-phap-post1187876.html