Xuất hiện tôm hùm '0 đồng' ở Australia vì virus corona bùng phát ở TQ

Dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc làm đảo lộn chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa toàn cầu.

Thành phố Geraldton, vùng duyên hải phía tây Australia, đang dư thừa tôm hùm đá. Những kiện hàng tồn kho mà không có thị trường tiêu thụ.

Cách đó nửa vòng Trái Đất, một tiệm bán váy cưới tại bang New Jersey của Mỹ chật vật tìm nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Còn ở bờ đối diện Đại Tây Dương, chủ một doanh nghiệp nhỏ tại London không biết tìm đâu cho đủ tóc nối và tóc giả để bán cho khách.

Tất cả những khó khăn trên đều liên hệ đến một nơi: Trung Quốc. Dịch bệnh do chủng virus corona mới, bùng phát tại nước này từ tháng 12/2019, đang gây nên hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu. Không chỉ có những ngành kinh tế lớn như ôtô, công nghệ, năng lượng và du lịch chịu thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nhiệp nhỏ thuộc đủ lĩnh vực kinh doanh và ở khắp mọi ngõ ngách trên thế giới cũng cảm nhận rõ chấn động.

 Tôm hùm đá đánh bắt tại vùng biển phía Tây Australia phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Jason Thomas.

Tôm hùm đá đánh bắt tại vùng biển phía Tây Australia phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Jason Thomas.

Gắn kết toàn cầu của Trung Quốc

Ở Tây Australia, mùa đánh bắt hải sản chỉ mới bắt đầu nhưng Hợp tác xã Ngư nghiệp Geraldton đã buộc phải ngừng thu mua tôm hùm đá từ các thành viên. Đơn vị này thông báo "nhu cầu giảm đáng kể".

Thông thường, 90% tôm hùm đánh bắt ở Geraldton được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ăn uống của thị trường hơn 1,3 tỷ dân vào dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Năm nay, với đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, Geraldton cùng một số nhà cung cấp tại Australia buộc phải tạm ngưng xuất khẩu qua thị trường này.

Hợp tác xã Ngư nghiệp Graldton có lúc phải điều chỉnh giá mua tôm hùm từ các thành viên xuống còn 0 đồng. Họ không thể nhận thêm hải sản từ ngư dân trong khi đơn vị này không tìm ra nơi để tiêu thụ. Những ngày qua, giá tôm hùm đá bắt đầu tăng nhẹ trở lại, đến mốc 30-35 USD. Tôm được bán giảm giá cho thị trường nội địa. Một lượng hàng tồn kho sẽ vào kho đông lạnh, trong khi nhiều nhà cung cấp phải tìm thị trường mới để xuất khẩu.

Theo Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS thuộc Đại học London, lượng hóa đầy đủ tác động kinh tế từ dịch virus corona là công việc bất khả thi vì Trung Quốc gắn kết quá sâu trong nhiều ngành kinh tế. Quá trình kết nối và phát triển của Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt kể từ khi nước này bắt đầu cải cách kinh tế vào cuối thập niên 1970.

"Khi ông Đặng Tiểu Bình khởi đầu cải cách vào năm 1979, nền kinh tế Trung Quốc khá giống với Triều Tiên hiện nay. Họ rất lạc hậu về công nghệ, công nghiệp và mọi khía cạnh năng lực. Cải cách diễn ra với tốc độ vượt xa trí tưởng tượng của ông Đặng Tiểu Bình dù ông vốn đã đặt ra những mục tiêu vô cùng tham vọng cho Trung Quốc", Tsang nhận định.

Công nhân trở lại làm việc tại một nhà máy dệt may ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 1970 chưa đến 100 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Mỹ đã vượt qua mốc 1.000 tỷ USD. Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp dần. Hưởng lợi từ toàn cầu hóa, GDP Trung Quốc hiện gần đạt 14.000 tỷ USD, còn Mỹ mới tăng lên 21.000 tỷ USD.

Sự lột xác về kinh tế dẫn đến những thay đổi mang tính nền tảng trong xã hội Trung Quốc. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể trong 4 thập kỷ qua. Người Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của du lịch quốc tế. Những yếu tố này khiến tác động của dịch bệnh tại Trung Quốc lên kinh tế thế giới không thể tránh khỏi.

Doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều chịu tác động

Ảnh hưởng rõ rệt nhất của dịch bệnh ở Trung Quốc lên nền kinh tế thế giới là những chuỗi cung ứng toàn cầu đang chậm lại.

Riêng Apple đã thiệt hại 34 tỷ USD giá thị trường sau khi thông báo dịch bệnh khiến tập đoàn khó đạt được những mục tiêu đề ra cho quý này. Các vấn đề về chuỗi cung ứng được Apple nhận diện là yếu tố lớn nhất khiến họ không thể hoàn thành mục tiêu.

Tuy nhiên, không chỉ những gã khổng lồ "ngấm đòn" vì dịch bệnh tại Trung Quốc, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng chật vật khi thiếu nguồn cung từ "công xưởng thế giới".

Jay Sylla-Johnson, chủ trang mạng bán tóc giả và tóc nối Tresse de Luxe Hair ở Anh, nói gần 90% sản phẩm của cô nhập về từ Trung Quốc. Trong gần 1 tháng qua, cô không thể tìm được hàng bổ sung. Tất cả đối tác cung cấp ở Trung Quốc không thể đi làm, còn nhà máy của họ phải đóng cửa.

Một số thành phố và nút giao thông quan trọng của Trung Quốc bị đóng băng trong nhiều tuần qua. Đây là một phần chiến lược khống chế dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc.

Nhân viên y tế Trung Quốc phun thuốc khử trùng tại một nhà máy ở Hồ Châu. Ảnh: Reuters.

"Nhiều công nhân không thể trở lại Quảng Châu làm việc vì virus. Họ không thể gửi tin và cũng không thể làm việc. Giao thông không hoạt động. Một công ty thường gom tóc giả khắp Trung Quốc cũng không thể đến được tỉnh có hàng vì những vấn đề giao thông", Sylla-Johnson chia sẻ.

Nữ doanh nhân sống tại London đã thử tìm nguồn cung từ một số nước khác trong khu vực, nhưng sản xuất của họ cũng giảm quy mô vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để dán tóc giả. Sylla-Johnson đang tính cách tăng lượng hàng nhập khẩu từ Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ở New Jersey, Steven Lang, giám đốc điều hành công ty Mon Cheri Bridals, nói mình cũng không đáp ứng được nhiều đơn đặt hàng. Trong số 45 nhà máy ở Trung Quốc đang hợp tác với công ty, chỉ có một nửa làm việc. Số nhà máy còn lại đang chờ kiểm tra và khử trùng.

"Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở nhà máy mà trên toàn chuỗi cung ứng. Còn phải nói đến xí nghiệp dệt sợi, ngành xe tải hay vận tải hàng không. Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng", ông chia sẻ.

Tương tự như Sylla-Johnson, Lang đang tìm cách đa dạng nguồn cung của mình và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Dù vậy, việc mua hàng từ Ấn Độ hay Myanmar cũng khó khăn vì doanh nghiệp khu vực vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc để có nguyên liệu sản xuất.

"Mọi ngõ ngách của chuỗi cung ứng đều chịu ảnh hưởng. Trung Quốc còn là nguồn lao động. Đó cũng là thứ mà chúng ta đang nhập khẩu, không chỉ riêng sản phẩm. Không có nhân công sẽ tác động lên toàn chuỗi cung ứng", ông nhận định.

Vũ Hán hóa 'thành phố ma' sau một tháng phong tỏa vì virus corona Cho đến nay, COVID-19 đã lây nhiễm hơn 78.000 người trên toàn cầu và giết chết hơn 2.400. Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus và tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xuat-hien-tom-hum-0-dong-o-australia-vi-virus-corona-bung-phat-o-tq-post1051103.html