Xuất hiện tình trạng bán lại khẩu trang y tế đã qua sử dụng

Đây là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Công Thương để triển khai kế hoạch phòng chống dịch virus corona.

Chiều 7/2 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng trực thuộc để bàn kế hoạch cụ thể toàn ngành trước diễn biến dịch bệnh do chủng virus corona gây ra có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Bộ kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam với sự tham dự đầy đủ của 5 Thứ trưởng và Thủ trưởng của các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị trực thuộc.

Gom khẩu trang đã qua sử dụng rồi vẫn bán lại

Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết toàn lực lượng đã ra quân từ hơn 1 tuần nay, đồng thời thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân.

Ông Linh nhấn mạnh tại 63 tỉnh, thành phố, các nhà thuốc phải ký cam kết với QLTT không được găm hàng và bán đúng giá niêm yết. Trường hợp găm hàng bị phát hiện sẽ bị xử lý với khung hình phạt cao nhất. Trường hợp hiệu thuốc bán khẩu trang mà không niêm yết giá cũng sẽ xử phạt.

 Các cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng khẩu trang y tế không bán cho người dân bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất. Ảnh minh họa: Văn Hưng.

Các cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng khẩu trang y tế không bán cho người dân bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất. Ảnh minh họa: Văn Hưng.

Tuy nhiên, ông Linh cũng cho hay gần đây đã xuất hiện tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, bán lại. Các sản phẩm nước xịt khuẩn, rất dễ bị làm giả, và nhiều nơi cho dung dịch kém chất lượng để đưa lên mạng bán…

“Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự”, Tổng cục trưởng khẳng định.

Ông cho biết thêm do dịch cúm H5N1 đã xuất hiện trở lại, nên lực lượng QLTT sẽ tiếp tục xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm, kiểm soát các chợ đầu mối, các tuyến biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên... ).

Trong khi đó, cho rằng thương mại điện tử sẽ là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Cục đã có công văn gửi các website, sàn giao dịch thương mại điện tử xử lý các doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm lên cao trong mùa dịch đã bị các sàn giao dịch như Lazada, Shopee… xử lý. “Ngoài ra, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý”, ông Hải thông tin.

Xử lý hình sự người bán dụng cụ y tế giả, kém chất lượng

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để cân đối phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, các đơn vị ngành cần tiếp tục đánh giá tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian và quy mô.

Bộ trưởng cũng thông tin Bộ sẽ thành lập ban chỉ đạo ứng phó với dịch virus corona, trong đó bộ trưởng trực tiếp là trưởng ban, các thứ trưởng là thành viên.

Với Tổng cục QLTT, Bộ trưởng yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi. Đồng thời, có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại cuộc họp chiều 7/2. Ảnh: moit.gov.vn.

Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo sớm có báo cáo về vấn đề khẩu trang y tế, sản phẩm y tế 1 lần, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất.

Đối với Vụ Thị trường trong nước, cần tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, tạo cơ chế thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xuat-hien-tinh-trang-ban-lai-khau-trang-y-te-da-qua-su-dung-post1044559.html