Kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2020 nên tổ chức như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 theo hướng giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh một số điểm mang tính kỹ thuật, chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 theo hướng giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh một số điểm mang tính kỹ thuật, chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính. Đa số các ý kiến cho rằng, đây là định hướng đúng vì đến năm 2025, học sinh trung học phổ thông vẫn học theo chương trình phổ thông hiện hành, vì vậy cần giữ ổn định phương thức thi như năm 2020, tránh việc tạo áp lực thay đổi quá lớn đối với xã hội.

Các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học đều khẳng định, sự cần thiết của việc tổ chức kỳ tốt nghiệp trên quy mô toàn quốc, bởi việc tổ chức kỳ thi vừa là thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, vừa là cơ sở, tạo động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của các thầy cô giáo lẫn học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 theo hướng giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh một số điểm mang tính kỹ thuật, chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 theo hướng giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh một số điểm mang tính kỹ thuật, chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến: "Việc thi sẽ phải diễn ra, chắc chắn nếu không thi thì không có học. Một trong các cơ sở quan trọng để điều chỉnh cách học, cách dạy. Nếu chúng ta không thi, chắc chắn giáo viên sẽ không có động lực, chúng ta phải nhìn rất thực tiễn. Đây là cơ sở, động lực để tạo ra quá trình thúc đẩy tiến bộ trong cách dạy, cách học".

Nhiều ý kiến cho rằng, một kỳ thi mang tính quốc gia như Kỳ thi THPT quốc gia (tổ chức từ năm 2015 đến năm 2019), hay Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không đơn giản là để xét bao nhiêu thí sinh đỗ tốt nghiệp, mà qua kỳ thi này sẽ giúp ngành giáo dục đánh giá được hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục trên cả nước, từ đó làm cơ sở để xây dựng, ban hành cơ chế chính sách liên quan đến giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm: "Nếu không thi thì sao, học sinh không học bài đó là điều chắc chắn. Hai là chả có nước nào không thi. Vậy nước ta đã từng có không thi không? Có thế hệ tôi không thi và cũng không tuyển sinh vào đại học, chế độ đánh trống ghi tên đó là năm 1954, mới giải phóng thủ đô. Nhưng bây giờ tiến bộ rồi, không phải như thế hệ chúng tôi nữa cho nên việc thi là cần thiết. Nếu đỗ cao chúng ta phải mừng chứ sao lại buồn. Thi vừa rồi không có tiêu cực, thi thì biết môn nào tốt, môn nào xấu. Vừa qua bật lên 2 môn kém quá, một là tiếng Anh, hai là Lịch sử".

Đồng tình với kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kỳ thi THPT quốc gia và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu xét tuyển sinh của các trường. Trong giai đoạn 2021-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2020 thì thí sinh vẫn thực hiện được 2 mục tiêu đó là xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, thí sinh được thi tại trường phổ thông, không phải về các thành phố lớn để thi đại học như năm 2014 trở về trước, tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Trong thời gian tới, ngành giáo dục nên có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng hoàn thiện hơn.

"Thi tại điểm thi tại trường phổ thông đây là chính sách cực kỳ đúng vì tạo cho các em sự công bằng. Kỳ thi rất quan trọng, ôn tập lại để các em có nền tảng căn bản để vào đại học chứ không phải cứ thấy tốt nghiệp hết là không thi. Tôi rất ủng hộ phương án hiện nay bởi vì chương trình phổ thông có đổi đâu mà mình phải đổi cách thi. Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ là dần dần chúng ta chuyển sang thi máy tính, thi máy tính sẽ rất nhẹ nhàng, không như hiện nay nữa, dần dần chúng ta rút kinh nghiệm", Giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, việc thí sinh phải tham gia một kỳ thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nên không thể bỏ kỳ thi. Tuy nhiên, Luật Giáo dục không quy định rõ phải tổ chức thi như thế nào. Vì vậy, vấn đề cần bàn hiện nay là cách thức tổ chức kỳ thi này như thế nào trong giai đoạn 2021-2025 khi học sinh lớp 12 vẫn học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

"Đã là thi thì phải tổ chức sao cho đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng. Thứ 2, không gây áp lực, không gây tốn kém cho xã hội, cho học sinh, cho phụ huynh, cho cử tri. Thứ 3 kỳ thi có thể phân loại được chất lượng dạy và học ở các địa bàn khác nhau, các trường khác nhau, rồi cũng vẫn phải đánh giá được học lực của học sinh sau quá trình học tập bậc phổ thông. Việc tổ chức thi thế nào tránh tạo ra những áp lực, những thay đổi nhiều quá đối với xã hội và đối với phụ huynh", ông Phạm Tất Thắng nêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức cơ bản ổn định như năm 2020 với phương thức tổ chức, bài thi, môn thi, hình thức thi, nên giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học, ôn tập. Chỉ khi nào học sinh trung học phổ thông học theo chương trình mới, có đủ ngân hàng câu hỏi, Bộ và các địa phương chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị công nghệ, đường truyền internet, nhân lực, chuẩn bị cho học sinh tâm lý sẵn sàng thì mới có thể triển khai thi trên máy tính./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-thi-tot-nghiep-thpt-sau-nam-2020-nen-to-chuc-nhu-the-nao-781490.vov