Xuất hiện quầng sáng màu cam bí ẩn bao quanh Trái Đất

NASA vừa phát hành một hình ảnh mê hoặc từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho thấy một quầng sáng màu cam rực rỡ bao quanh bầu khí quyển của Trái Đất.

Quầng sáng màu cam tuyệt đẹp trong bức ảnh được NASA công bố. Ảnh: NASA

Bức ảnh được chụp từ ngày 7/10/2018 nhưng gần đây Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mới chia sẻ rộng rãi. Theo đó, quầng sáng bị phát hiện ở khu vực rộng khoảng 400km trên nước Úc. Quầng sáng này thực chất là airglow, ánh sáng yếu trên bầu trời đêm, là kết quả của các phản ứng quang hóa gây ra bởi khí quyển của Trái Đất tương tác với bức xạ cực tím (UV) từ Mặt Trời.

Khi các phân tử, chủ yếu là nitơ và oxy được tiếp thêm năng lượng bởi bức xạ cực tím từ ánh sáng Mặt trời, các nguyên tử trong các bầu khí quyển ở thấp hơn sẽ va vào nhau và mất đi năng lượng trong các lần va chạm này. Kết quả sẽ sinh ra luồng khí với màu sắc đặc biệt như trên.

Airglow là một mô tả trực quan về sự tương tác giữa ranh giới phía trên của bầu khí quyển Trái Đất và không gian bên ngoài - một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng đang diễn ra tại NASA. Airglow luôn tồn tại ở một mức độ nào đó, nhưng thường sẽ trở nên vô hình khi nhìn từ Trái Đất hoặc không gian.

NASA bắt đầu triển khai sứ mệnh ICON vào ngày hôm qua (8/11) để nghiên cứu sự tương tác giữa thời tiết của Trái Đất và không gian. Ban đầu, sứ mệnh ICON được dự tính ra mắt từ tháng 12/2017 nhưng bị trì hoãn nhiều lần do các vấn đề với tên lửa Pegasus XL. Sứ mệnh kéo dài 2 năm này sẽ nghiên cứu nhiệt quyển và tầng điện ly, đo gió, nhiệt độ, độ trôi ion, bức xạ cực tím, chuyển động hạt, v.v.

Tầng điện ly có thể có các điều kiện không thể đoán trước được, gây ảnh hưởng đến quỹ đạo bình thường của Trạm vũ trụ quốc tế cũng như các vệ tinh GPS và thông tin liên lạc khác.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Forbes)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/xuat-hien-quang-sang-mau-cam-bi-an-bao-quanh-trai-dat-a250720.html