Xuất hiện lực xả mạnh ở cuối phiên 'cản' cơ hội tăng của VN-Index

Tình huống khá bất ngờ trong phiên đáo hạn phái sinh hôm nay khi các cổ phiếu vốn hóa lớn đã không đẩy giá lên mà một số quay đầu giảm. Biến động không quá lớn, nhưng đủ khiến VN-Index rơi xuống dưới tham chiếu.

Nhiều cổ phiếu Blue-chips giảm giá

Phiên đáo hạn phái sinh hôm nay diễn ra trong bối cảnh thị trường đang nỗ lực quay lại kiểm định đỉnh cao 900 của VN-Index. Chỉ số VN30-Index cũng ở gần mức đỉnh đầu tháng 9 và là đỉnh cao nhất trong kỳ hạn phái sinh hiện tại. Thời gian giằng co ở phiên sáng thì các chỉ số hầu hết là tăng nhẹ trên tham chiếu, nhưng bất ngờ cuối phiên lại quay đầu giảm.

Đợt ATC chỉ số VN-Index để mất khoảng 3,4 điểm so với giao dịch cuối đợt khớp lệnh liên tục, còn chỉ số VN30-Index để mất khoảng 3,7 điểm. Thị trường phái sinh cũng không có xáo trộn lớn và điểm số thanh toán không chênh lệch tới 1 điểm.

Thị trường trong nước hôm nay chịu ảnh hưởng khá lớn từ diễn biến quá xấu trên thị trường quốc tế. Các chỉ số tương lai của Mỹ sụt giảm mạnh, đến gần cuối phiên còn giảm xấp xỉ 2%. Điều này có lẽ ngăn cản hành động mua mạnh bạo hơn. Các blue-chips giao dịch yếu và hầu hết giảm. Nhóm Vn30 chỉ có 7 mã tăng còn lại 21 mã giảm. Số tăng có cả VNM lẫn CTG nhưng hai mã này tăng không đáng kể nên không đỡ được chỉ số. Thực tế là cả VNM lẫn CTG đều bị ép xuống một chút lúc đóng cửa.

Duy nhất HPG tăng 2,83% là tạo lực kéo rõ nhất cho VN-Index. Tuy nhiên ảnh hưởng chính của HPG là thanh khoản. Cổ phiếu này giao dịch bùng nổ với gần 26,8 triệu đơn vị tương đương 675,3 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 8/2020. Khối ngoại giao dịch rất sôi động với mua vào 4,15 triệu cổ phiếu, bán ra 3,77 triệu cổ phiếu.

Với số mã giảm quá nhiều trong VN30, chỉ số chính đã không có bất kỳ cơ hội nào. Đáng kể nhất là VIC, bị ép cực mạnh lúc đóng cửa đến nỗi quay đầu giảm 1,57% trong khi cuối đợt liên tục còn tham chiếu. VCB cũng bị ép giảm 0,48%, GAS bị ép giảm 0,42%, VHM giảm 0,65%, MSN giảm 1,64%, PLX giảm 1,57%, VRE giảm 2,08%...

Sàn HSX phiên này cũng có số mã giảm áp đảo, cứ 1 mã giảm chỉ có 0,66 mã tăng. Nhóm đầu cơ chỉ sót lại LSS và BCG kịch trần. Tuy nhiên giao dịch khá mạnh và sôi động tại ASM, AGR, ITA, IDI, CRE, giá tăng trong khoảng 3%-5%. Ngược lại, nhóm "đổ đèo" có OGC bị bán tháo lớn giá sàn. MHC, SJF, TNI, TTF, HAP, HSG, GEX cũng bị bán mạnh và giá giảm trên 2%.

Thị trường vẫn đang bị chặn tại vùng đỉnh

Mặc dù phiên đáo hạn phái sinh thường gây xáo trộn nhất thời nhưng hôm nay thị trường giao dịch không mạnh mẽ. Đúng hơn là đã xuất hiện lực xả mạnh ngăn cản cơ hội tăng. Trong buổi sáng, khi thị trường tương lai của Mỹ đã lao dốc mạnh nhưng mức tăng của VN-Index hầu như không đáng kể. Đỉnh cao nhất chỉ số này cũng chỉ tới 899,41 điểm, trên tham chiếu 0,22%, tương đương 1,94 điểm mà thôi.

Trong khi giá cổ phiếu lẫn chỉ số hầu như không có tiến triển thì phiên này thanh khoản lại rất cao. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn vọt lên 6.584 tỷ đồng, tăng gần 34% so với hôm qua và cao nhất 8 phiên. Ngoài HPG thanh khoản đột biến, HSG, GEX, VHM, DBC cũng giao dịch rất lớn và giá giảm.

VN-Index như vậy đã có phiên thứ 3 bám sát ngưỡng 900 điểm nhưng không thể chạm tới được. Đây chưa phải là tín hiệu xấu, nhưng rõ ràng tốc độ phục hồi đang có lực cản. Mức tăng chỉ tương đối rõ vào ngày đầu tuần, sau đó gần như đi ngang. Thị trường đã không thể hiện được xung lực cần thiết để công phá đỉnh cao cũ, dù thanh khoản vẫn được duy trì khá tốt.

Nhà đầu tư nước ngoài không phải là yếu tố ngăn cản thị trường hôm nay mà chính là nhà đầu tư trong nước. Khối này bán ròng nhóm VN30 chỉ khoảng 88 tỷ đồng và bán toàn sàn HSX chỉ gần 111 tỷ đồng. Kể từ đầu tuần đến hôm nay mức bán ròng của khối ngoại có dấu hiệu giảm dần đi chứ không tăng lên.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-17/xuat-hien-luc-xa-manh-o-cuoi-phien-can-co-hoi-tang-cua-vn-index-92374.aspx