Xuất hiện lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định

Triều cường gây ngập nặng ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn TƯ, các tỉnh miền bắc sẽ xuất hiện sương mù dày đặc do độ ẩm trong không khí rất cao, tại nhiều khu vực độ ẩm lên tới 100%, tầm nhìn xa dưới 1 km. Trong khi đó, áp cao lạnh lục địa tiếp tục suy yếu nên nền nhiệt độ sẽ tăng khoảng 1-2oC (ở mức 26-29oC). Nam Bộ và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của rìa phía bắc dải áp thấp xích đạo nên ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi.

Mực nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai đã rút xuống mức 76m24, giảm xuống 1m77 so với đỉnh lũ đạt cao nhất ngày 30-10. Hiện người dân hai bên bờ sông Hồng, sông Nậm Thi, sông Chảy và cạnh các con suối lớn đã trở lại làm đất, vệ sinh vườn ven sông, khôi phục các ruộng hoa màu bị ngập sau lũ.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã kiên cố hóa được hơn 50 km kênh mương các loại. Tỉnh cũng hoàn thành phê duyệt phương án bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trọng điểm trong mùa bão lũ như cống Nam Đàn, hồ Vực Mấu, đê Tả Lam và 54 hồ chứa nước lớn khác.

Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định đang lên. Mực nước chiều 1-11 trên các sông: Trà Khúc tại Trà Khúc: 3,69m, trên báo động (BĐ 1): 0,19m; sông Vệ tại Cầu sông Vệ: 4,17m, dưới BĐ3: 0,33m; sông Lại Giang tại Bồng Sơn: 5,64m, dưới BĐ1: 0,46m; sông Kôn tại Vĩnh Sơn: 71,24m, dưới BĐ1: 0,76m. Tối 1-11, đỉnh lũ trên sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 4,5m, dưới BĐ2: 0,5m; trên sông Vệ tại Cầu sông Vệ: 4,50m, ở mức BĐ3. Mực nước các sông ở Bình Định tiếp tục lên. Sáng nay 2-11, mực nước các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định dao động ở mức BĐ1-BĐ2. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Tỉnh Đác Nông hiện cần khoảng 637 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa 50 công trình thủy lợi. Nếu không có nguồn vốn kịp thời thì nguy cơ vỡ đập hàng loạt vào mùa mưa, không chứa được nước gây hạn hán vào mùa khô của các công trình là rất cao. Tại TP Hồ Chí Minh, cơn mưa kéo dài kết hợp triều cường đã gây tình trạng ngập lụt cho một số tuyến đường Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh, Phú Mỹ, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Lương Định Của (quận 2),... Đáng chú ý là nhiều khu vực vùng ven và ngoại thành đã xảy ra ngập cục bộ do vỡ bờ bao như: phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông của quận Thủ Đức,...

Tàu BV 0716 TS đang đánh bắt hải sản tại khu vực cách Côn Đảo khoảng 80 hải lý về phía đông bắc thì bị phá nước, làm 10 ngư dân trên tàu gặp nguy hiểm. Nhiều tàu cá đang hoạt động gần đó đã nhanh chóng lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Tại tỉnh Trà Vinh, đến ngày 1-11, triều cường đã làm sạt lở và vỡ hơn 60 đoạn đê bao cục bộ bảo vệ nhà cửa và hoa màu, vườn cây ăn trái của người dân. Nước sông đã lấn sâu vào nội đồng, dâng cao 50 - 60 cm, gây ngập úng hàng nghìn ha vườn cây ăn trái, cây màu thực phẩm, cây công nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo vận hành toàn bộ hệ thống cống thủy lợi để thoát úng nhằm giảm bớt thiệt hại diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân. Xã Đông Phước A và thị trấn Ngã Sáu huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã tổ chức gia cố gần 2.000m đê bao và san lấp đất các tuyến đê bao chống lũ có nguy cơ bị sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão. Toàn tỉnh Kiên Giang đã có 12 người thiệt mạng do lũ, trong đó chín trẻ em. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trực tiếp ảnh hưởng lũ di dời được 1.171 hộ dân trên tổng số 6.770 hộ bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã làm 1.997,3 ha lúa (chủ yếu là lúa vụ ba với 1.170,1 ha), 509,4 ha rau màu, 1.278,7 ha cây ăn quả và cây công nghiệp, 2.522 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước tổng giá trị thiệt hại do lũ trên toàn tỉnh hơn 115,7 tỷ đồng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, trong năm ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên xuống nhanh. Dự báo, đến ngày 4-11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,05m (trên BĐ2: 0,05m); tại Châu Đốc xuống mức 3,65m (trên BĐ2: 0,15m); các trạm chính ở vùng ĐTM và TGLX xuống mức BĐ2-BĐ3.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) một số trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ửy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương và đơn vị PCLB, cứu hộ, cứu nạn. Số lượng các mặt hàng được xuất cấp gồm 10 bộ xuồng cao tốc loại ST - 660; 600 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 33.000 chiếc phao áo cứu sinh; 37.200 chiếc phao tròn cứu sinh và 260 bộ bè cứu sinh nhẹ.

Theo Báo cáo nhanh ngày 1-11 của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổng hợp số liệu thiệt hại tính đến hết ngày 31-10, đã có 65 người chết, 125.858 nhà dân, 23.654 ha lúa bị ngập nước và hơn 1.500 km đê bao sạt lở, hư hại.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/xu-t-hi-n-l-tren-cac-song-qu-ng-ng-i-va-binh-nh-1.319177